Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chung tay giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
09:40 | 02/04/2015 Print   E-mail    

Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ 2/4:
Chung tay giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
-----------------
 
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng người mắc chứng tự kỷ trên thế giới không ngừng tăng. Cứ khoảng 80 người thì có một người mắc chứng tự kỷ. Chính vì vậy, để giúp trẻ em và người mắc chứng tự kỷ cải thiện cuộc sống, năm 2007, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ. Tại Việt Nam,  mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, tuy nhiên, theo ước tính từ các bệnh viện trong cả nước, Việt Nam có tổng cộng hơn 200.000 người mắc chứng tự kỉ. Riêng tại BRVT có khoảng 200 người mắc chứng bệnh này. Đây là một con số không nhỏ và là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh trên còn đường giúp con em mình hòa nhập cộng đồng.
 
 
Những động tác tuy còn chưa đều, giọng hát dẫu còn ngọng ngịu nhưng những tiết mục văn nghệ của các bé mắc chứng tự kỷ ở Cơ sở mầm non hội nhập Phước An, TPVT trong Ngày hội trẻ tự kỷ đã khiến nhiều bậc phụ huynh phải bật khóc vì vui mừng.  Bởi để có được những tiết mục văn nghệ này, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh Cơ sở mầm non hội nhập Phước An phải kiên trì tập luyện nhiều tháng nay. Và cũng thật hiếm hoi để trẻ tự kỷ và phụ huynh của các em có được một sân chơi vui vẻ, bổ ích như thế này.
 
Chia sẻ cảm xúc của mình khi cùng con tham gia Ngày hội, chị Nguyễn Thị Tú ở phường 12, Thành phố Vũng Tàu không nén nổi những giọt nước mắt xúc động: “Tôi rất xúc động và cảm ơn Ban tổ chức đã tổ chức Ngày hội dành cho trẻ khuyết tật, đặc biệt là dành cho trẻ tự kỷ. Nhờ vậy mà những người phụ huynh có con tự kỷ như chúng tôi mới có cơ hội để gặp gỡ giao lưu và học hỏi thêm nhiều kiến thức nuôi dạy, chăm sóc con.”
 
Chia sẻ về mục đích tổ chức Ngày hội, bà Lê Thị Chính Lan-Chủ cơ sở mầm non hội nhập Phước An, TPVT cho biết: “Trường MN Phước An chúng tôi muốn phối hợp với Hội cha mẹ học sinh tổ chức Ngày hội này để cho các cháu có một sân chơi, một ngày cho riêng mình. Phụ huynh gặp gỡ nhau và giáo viên gặp lại những học trò cũ thì rất là vui. Đây cũng là ngày để tuyên truyền cho cộng đồng biết rằng chứng tự kỷ cũng như là rối loạn phát triển nếu được can thiệp sớm và hỗ trợ tích cực thì các cháu cũng tiến bộ và phát huy được những khả năng còn lại của mình để không làm gánh nặng cho cộng đồng.”
 
Cách đây hơn 10 năm, khi tự kỷ vẫn còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng, những đứa trẻ sinh ra không may mắc chứng tự kỷ luôn bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt hoàn toàn xa lạ, e ngại và thiếu thiện chí. Và vì thế, hành trình giúp con hòa nhập với cộng đồng của những ông bố, bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ càng trở nên gian nan, vất vả.
 
Chị Nguyễn Thị Tú, phường 12, Thành phố Vũng Tàu cho biết:“Con tôi bị chứng tự kỷ từ lúc sinh ra. Năm nay cháu đã 11 tuổi, tôi xin cho cháu vào học ở trường bình thường, nhưng nhiều phụ huynh cứ phản đối khiến vợ chồng tôi rất buồn”
 
Anh Ngô Ngọc Quang ở phường Phước Hưng, Thành phố Bà Rịa -Phụ huynh có con tự kỷchia sẻ thêm: “Đối với gia đình có trẻ tự kỷ để duy trì được gia đình nhỏ thì rất khó khăn, tại vì lúc đó trong 2 người sẽ có một người không thể đi làm việc được mà phải ở nhà chăm sóc bé, vì chứng bệnh tự kỷ này ở VN chưa chữa trị được, sự chăm sóc của cộng đồng chưa có như những trẻ tàn tật khác”
   
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có duy nhất một cơ sở mầm non dành cho trẻ tự kỷ tại TPVT.  Song cơ sở mầm non tư nhân này còn quá chật hẹp, thiếu thốn phòng ốc nên chỉ có thể nhận nuôi dạy khoảng 30 đến 40 trẻ tự kỷ trong độ tuổi mầm non. Với các trẻ tự kỷ trong độ tuổi tiểu học, THCS, THPT hay những em đến tuổi học nghề thì hầu như không có một ngôi trường nào dành riêng cho các em. Chính vì thế, phần lớn trẻ, thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ phải dựa vào sự chăm sóc của người thân trong gia đình.
 
Bà Lê Thị Chính Lan-Chủ cơ sở mầm non hội nhập Phước An, TPVT cho biết: “Cái khó khăn nhất nói chung của mình và nhà trường là đối tượng trẻ đã được chẩn đoán bị tự kỷ của những năm đầu 90. Năm nay các cháu cũng khoảng hai mươi mấy tuổi rồi nhưng không biết đi đâu về đâu. Bố mẹ thì càng ngày càng già nhưng vẫn phải chăm sóc con như chăm đứa trẻ lên 3. Tôi mong rằng, cộng đồng hoặc các doanh nghiệp, chính phủ quan tâm đưa ra những chính sách để khích lệ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực GD, đặc biệt là GD khuyết tật này nhằm hình thành những Trung tâm, ngôi nhà chung cho người tự kỷ trưởng thành”
 
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Nguyên trưởng khoa tâm lý-Bệnh viện Nhi đồng I, tự kỷ là một trong những tình trạng rối nhiễu tâm lý phức tạp, khó xác định nguyên nhân và cũng khó xây dựng một kế hoạch trị liệu. Hiện nay, chứng bệnh này đang có chiều hướng gia tăng nhưng chưa có thuốc đặc trị.
 
Bà Phạm Ngọc Thanh- Nguyên trưởng khoa tâm lý-Bệnh viên Nhi đồng I, TPHCM cho biết: “Đến giờ chưa ai biết được nguyên nhân của bệnh tự kỷ. Tuy nhiên nó có những yếu tố nguy cơ, ví dụ là yếu tố di truyền. Người ta đã phát hiện ra có trên 100 gen có thể gây nên tự kỷ. Tuổi cha mẹ càng lớn tuổi thì có nguy cơ sinh ra trẻ tự kỷ càng cao, hoặc là bà mẹ trong lúc mang thai bị một loại bệnh nào đó, rồi tình trạng của trẻ khi mới sinh ra bị ngạt hoặc sinh thiếu tháng, hoặc nhẹ cân cũng dễ bị tự kỷ. Ngoài ra còn những yếu tố về môi trường như tiếp cận với thuốc trừ sâu hoặc ô nhiễm môi trường là những yếu tố gây ra nguyên nhân gây tự kỷ.....
 
Theo các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chứng tự kỷ nếu được phát hiện sớm, có phương pháp giáo dục và trị liệu kịp thời sẽ giúp trẻ có khả năng hòa nhập tốt với công đồng. Giai đoạn vàng để phục hồi hiệu quả các chức năng ở trẻ tự kỷ là từ 0 đến 3 tuổi. Nếu phát hiện và can thiệp sớm, 30% trẻ tự kỷ có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% có thể phát triển tốt.  Muốn khống chế tình trạng gia tăng trẻ bị tự kỷ, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất khi phát hiện trẻ có hiện tượng. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh tự kỷ đòi hỏi quá trình lâu dài, thêm đó rất tốn kém về mặt tiền của đòi hỏi các các cấp, các ngành, đặc biệt là các ngành liên quan như: Y tế, giáo dục, tâm lý học, xã hội học... tích cực hơn nữa để cùng với người dân giảm thiểu sự gia tăng của căn bệnh tự kỷ. Việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chứng tự kỷ cũng góp phần giúp những người không may mắn có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu