Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho học sinh - khơi dậy tình yêu quê hương đất nước.
08:48 | 20/09/2019 Print   E-mail    

Vũng Tàu là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Trong các nhà trường, việc giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa địa phương cho học sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Những năm qua, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và lịch sử, văn hóa Vũng Tàu nói riêng qua các hoạt động ngoại khóa ở các cơ sở giáo dục, các địa phương trong thành phố Vũng Tàu đang đi đúng hướng đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho các em học sinh thành phố.

Các em học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh tham gia Lễ Hội Nghinh Ông năm 2019 

Nhằm giáo dục cho các em học sinh lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào với truyền thống cách mạng của cha ông trên chính quê hương của mình, trang bị thêm cho các em kiến thức, tầm hiểu biết về thế giới xung quanh, về nguồn cội cũng như nét đặc trưng của thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp, các nhà trường, các địa phương tại thành phố Vũng Tàu đã và đang chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa  địa phương cho học sinh. Việc tuyên truyền có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua các bài diễn văn, bài phát biểu tại các lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, bài nói chuyện của các Cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, các nghệ nhân của địa phương. Có thể sử dụng phòng Truyền thống, phòng Đoàn, Đội, Thư viện... để trưng bày báo tường, báo ảnh, hiện vật, tranh ảnh theo các chủ đề hoặc thiết kế tờ gấp có nội dung tuyên truyền và tham gia các Lễ hội, viếng thăm các di tích lịch sử cách mạng tại thành phố.

Nét văn hóa truyền thống ở phố biển Vũng Tàu là một văn hóa bản địa có nhiều nét đặc sắc rất riêng. Trong đó yếu tố văn hóa biển là một phần quan trọng không thể tách rời đối với mảnh đất và người dân thành phố. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm với quy mô lớn vào ngày 16-18/8 âm lịch là nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển với những hoạt động đặc sắc. Lễ hội Nghinh Ông là dịp cúng tế thần biển để ngư dân dâng lên ý nguyện cầu an và thể hiện tấm lòng biết ơn đối với vị cứu tinh của họ. Bên cạnh đó, thành phố biển Vũng Tàu còn có lễ hội Đức Thánh Trần, lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, lễ hội Trùng Cửu và lễ hội bắn súng Thần Công…Bên cạnh đó còn có những di tích lịch sử cách mạng như nhà má Tám Nhung, Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành, Bia ghi công trận đánh khách sạn Palace, Đền thờ Liệt sĩ thành phố, các nghĩa trang Liệt sĩ… Những lễ hội và những di tích lịch sử cách mạng này đều được các thế hệ người dân thành phố lưu giữ, góp phần tô điểm bản sắc văn hóa đặc sắc của phố biển.

Việc giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho học sinh cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… là vô cùng quan trọng trong nội dung giáo dục của các nhà trường để hình thành nên phẩm chất cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Hiện nay, có nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS tại thành phố Vũng Tàu đã lồng ghép giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế như giáo dục lịch sử qua các Lễ hội truyền thống của địa phương, đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử…Nhiều trường học ở các cấp học đã tổ chức các hoạt động: tham quan, nhận chăm sóc di tích lịch sử - văn hóa; nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương; lồng ghép các nội dung lịch sử địa phương vào các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... giúp học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.

Thiếu nhi phường 11 viếng bia ghi công trận đánh Phước Thành nhân 27/7/2019 

Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Huỳnh Khương Ninh thành phố Vũng Tàu thì: Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho các em học sinh là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử và tự hào về những giá trị truyền thống ở quê hương mình.

Em Nguyễn Thanh An, học sinh khối 8, trường THCS Trần Phú Vũng Tàu, chia sẻ: Chúng em rất thích các hoạt động trải nghiệm khám phá, tìm hiểu những Lễ hội văn hóa, những di tích lịch sử cách mạng của thành phố Vũng Tàu – nơi em được sinh ra và lớn lên. Được tham gia một số trò chơi dân gian truyền thống của vùng biển quê hương trong những ngày Lễ hội; tìm hiểu và trải nghiệm tại một số Lễ hội truyền thống ở Vũng Tàu chúng em càng thấy mình cần phải trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá của địa phương, thấy thêm yêu hơn quê hương xinh đẹp của mình.

Chúng ta hy vọng trong thời gian tới, việc giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho học sinh sẽ tiếp tục được các cấp chính quyền, ngành giáo dục và các Trường học trên địa bàn thành phố Vũng Tàu quan tâm, thực hiện và có nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo; góp phần nhân lên tình yêu quê hương, đất nước; nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống của mảnh đất và con người Vũng Tàu, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong các em./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT