Thông tin quy hoạch Thông tin quy hoạch
Đồ án quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu: Cần bền vững và có tính kế thừa
09:58 | 24/08/2018 Print   E-mail    

Ngày 4/5/2017, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035. Căn cứ nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, UBND Thành phố Vũng Tàu đã tổ chức lập đồ án quy hoạch. Nội dung đồ án đã được UBND tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thông qua. Trong hai ngày, 21 và 22/8 vừa qua, UBND Thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về nội dung đồ án trước khi thông qua HĐND Thành phố làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại các hội nghị, người dân thành phố đề xuất nhiều ý kiến và mong muốn quy hoạch được thực hiện một cách thống nhất, bền vững, có tính kế thừa.

Quy hoạch chung 1/10.000 thành phố Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu vào năm 1993, lần 2 vào năm 2005. Căn cứ quy hoạch chung được duyệt, Tỉnh đã triển khai lập các quy hoạch chi tiết 1/2.000 (nay là quy hoạch phân khu); các quy hoạch chi tiết 1/500, các dự án đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng, tạo bộ mặt đô thị như hiện nay. Quy hoạch chung là khung cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý quy hoạch, phát triển đô thị. Đến nay, một số nội dung quy hoạch không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc tổ chức rà soát, điều chỉnh tổng thể quy hoạch này là cần thiết và cấp bách.

Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035 (tỷ lệ 1/10.000). Theo đó, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Vũng Tàu, tổng diện tích đất tự nhiên là 15.000 ha, được giới hạn phía Đông và Nam giáp biển Đông và một phần huyện Long Điền, phía Tây giáp vịnh Gành Rái, phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa và một phần Thị xã Phú Mỹ. Yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu gồm: Rà soát định hướng phát triển các khu đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố Vũng Tàu; bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị.

Xây dựng thành phố Vũng Tàu thành “Đô thị du lịch – dịch vụ - tài chính - thương mại” mang tầm khu vực và quốc tế (ảnh: Internet) 

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, UBND Thành phố đã phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (là đơn vị tư vấn lập quy hoạch) nghiên cứu tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung. Ông Vũ Hồng Thuấn - Trưởng Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho biết: Hiện nay, song song với việc lập quy hoạch chung 1/10.000, ngoại trừ quy hoạch Núi Lớn – Núi Nhỏ, quy hoạch đảo Gò Găng và đảo Long Sơn mới phê duyệt năm 2013 nên không phê duyệt lại nữa, chỉ điều chỉnh nội dung bên trong. Còn lại, toàn bộ quy hoạch khu dân cư Nam sân bay (hiện nay gọi là đô thị Nam Vũng Tàu), khu đô thị Bắc sân bây, khu Chí Linh – Cửa Lấp, khu Bãi Sau, khu Bắc Phước Thắng đều phải lập điều chỉnh quy hoạch toàn bộ. Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035 vào tháng 5/2017, thành phố Vũng Tàu và các sở, ngành của tỉnh đã nỗ lực không ngừng để có được một đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Mục tiêu của đồ án là xây dựng thành phố Vũng Tàu thành “Đô thị du lịch – dịch vụ - tài chính - thương mại” mang tầm khu vực và quốc tế. Theo phương án quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035, thành phố được định hướng phát triển theo 11 phân khu chức năng, gồm: Bắc Vũng Tàu, Nam Vũng Tàu, đảo Long Sơn, đô thị Gò Găng, Bắc Phước Thắng, Chí Linh – Cửa Lấp, Bãi Sau, Khu công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng, Núi Lớn – Núi Nhỏ, phân khu giải trí Vũng Tàu – Paradise, Trung tâm tài chính – kinh tế (khu sân bay di dời), Sao Mai – Bến Đình. Kiến trúc sư Phan Trọng Tuệ - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho biết: Thành phố Vũng Tàu sẽ phát triển mạnh kinh tế biển và trở thành một đô thị du lịch xanh – sạch – đẹp. Theo phân cấp, Vũng Tàu sẽ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh và đầu mối giao giao thông, giao lưu quan trọng của khu vực; là trung tâm dịch vụ hậu cần thủy hải sản, phát triển cảng biển và khai thác dầu khí của cả nước.

Tại các hội nghị, đa số người dân đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ nội dung của đồ án. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến  của người dân tập trung vào những vấn đề về mục tiêu, diện tích, dân số, tính chất chức năng khu vực quy hoạch, các phân khu chức năng khu vực quy hoạch; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khung đô thị; các vấn đề về môi trường sinh thái, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, chế biến hải sản, lấn biển; tầng cao công trình… Như ý kiến của ông Phạm Duy Hưởng - cán bộ hưu trí Phường 1 băn khoăn đến quy mô dân số và quy hoạch dân cư, ông cho rằng  khi đưa ra quy hoạch thì phải tính đến việc những cư dân trong vùng quy hoạch sẽ sống thế nào, làm việc ở đâu, sinh hoạt thế nào? Ông Lâm Văn Hoạt - người dân Phường 4 đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ hệ sinh thái môi trường, nhất là khu vực Núi Lớn và Núi Nhỏ. Ông Đỗ Minh Hùng - người dân Phường 1 quan tâm đến quy hoạch phát triển du lịch. Ông Hùng tán thành việc cần có những điểm nhấn nhà cao tầng dọc bờ biển, tuy nhiên cũng có nhiều lo ngại về vấn đề này. Liệu làm các nhà cao tầng có rơi vào tình trạng như Nha Trang không? Nha Trang hiện nay dọc bờ biển gần như là bức tường thành, dân không còn cảm giác là dân vùng biển nữa. Ông Phạm Minh Thắng - người dân Phường Thắng Tam đề nghị đồ án phải quy hoạch cụ thể 1/2000 từng phân khu, đề cập rõ thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành, để tránh trường hợp các quy hoạch “treo”.

Ông Bùi Văn Hải - nguyên Chủ tịch UBND Thành phố đề xuất không nên quy hoạch và xây dựng nhà cao tầng dọc bờ biển (với chiều cao thấp hơn 2/3 núi), mà nên để bờ biển thông thoáng, để người dân và khách du lịch đi trên đường Hạ Long và Trần Phú đều có thể nhìn thấy biển. Ông Bùi Văn Hải đặc biệt quan tâm đến vấn đề lấn biển. Theo ông, cần phải nghiên cứu kỹ việc lấn biển, bởi Vũng Tàu nằm trong tuyến hàng hải quan trọng của quốc tế, thêm vào đó là tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.

Cùng với những ý kiến quan tâm, đóng góp đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035, đông đảo nhân dân thành phố bày tỏ niềm tin về một viễn cảnh tốt đẹp cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Đây là một đồ án quy hoạch rất quan trọng, do đó, người dân đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể tổ chức các hội thảo với sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng... Qua đó chọn lọc những ý kiến xác đáng, định hướng tốt và có những bước đi cụ thể, để quy hoạch được thực hiện một cách thống nhất, bền vững và có tính kế thừa.

Ông Vũ Hồng Thuấn - Trưởng Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho biết: phương án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu được trưng bày tại trụ sở UBND 17 phường, xã để người dân tham gia đóng góp ý kiến. Thời gian nộp phiếu lấy ý kiến về UBND phường nơi công dân lưu trú là 01 tháng, kể từ ngày tổ chức hội nghị. Phiếu lấy ý kiến sẽ được tổng hợp bằng văn bản và gửi về UBND thành phố, thông qua Phòng Quản lý đô thị để tổng hợp, chỉnh sửa đồ án./.

Bài: Trúc Lan, BBT

Các bài mới hơn
Các bài cũ hơn