Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Cần thành lập một bộ tiêu chí thống nhất
07:50 | 06/09/2014 Print   E-mail    

 
Đó là ý kiến của ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp bàn với các sở, ngành, địa phương để triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, vào sáng 4-9. Hội nghị cũng ghi nhận nhiều luồng ý kiến nhằm triển khai Nghị định 67 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một cách hiệu quả nhất.
 
 
Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN cho biết, sau khi Nghị định 67 ban hành và có chỉ đạo từ Bộ NN-PTNN, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các bước để triển khai, trong đó có việc tìm hiểu nhu cầu đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, ngành nghề đăng ký đóng mới của ngư dân để tổng hợp nhu cầu. Theo đó, tổng số tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp của 227 hộ trên địa bàn tỉnh là 342 chiếc, tổng kinh phí dự kiến 2.034 tỷ đồng. Trong đó, số tàu khai thác đóng mới 152 chiếc, tàu dịch vụ 60 chiếc và 130 tàu nâng cấp. Trong số tàu đóng mới có 41 tàu vỏ thép, 163 tàu vỏ gỗ và 8 tàu vỏ vật liệu mới. Chỉ có 3 địa phương có nhu cầu là TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.
 
Từ đó cho thấy, nhu cầu đóng mới tàu và nâng cấp tàu trên địa bàn tỉnh đã vượt chỉ tiêu mà Trung ương phân bổ cho tỉnh BR-VT là 111 tàu khai thác thủy sản và 10 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản.
 
Để triển khai Nghị định 67 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, sẽ không cho vay ưu đãi tràn lan mà chỉ hỗ trợ người đang làm nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể. Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng chính sách này phải được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu để vay vốn. Các địa phương thí điểm đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần, sau đó chính quyền địa phương sẽ quyết định nhân rộng ra toàn tỉnh. Tỉnh cũng khuyến khích các tàu đánh bắt xa bờ và đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế lên trên hết. Để tiếp cận gói vốn của Nghị định 67, đối tượng được vay vốn phải có khả năng tài chính rõ ràng, hoạt động sản xuất hiệu quả, ổn định. Tuy nhiên, theo ý kiến của các các địa phương thì vấn đề này đã làm khó ngư dân. Ông Đinh Võ Hoàng Phong, đại diện UBND huyện Long Điền cho rằng, đa phần ngư dân lấy tài sản của mình để thế chấp vay vốn đóng mới tàu thuyền. Chính vì vậy cần có một bộ tiêu chí phù hợp và có một bản mẫu phương án kinh doanh thống nhất để ngư dân theo đó mà lập phương án đầu tư.
 
Theo dự kiến, chương trình triển khai Nghị định 67 sẽ thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016. Tỉnh BR-VT sẽ chọn 4 trường hợp thí điểm đóng mới tàu vỏ thép và rút kinh nghiệm, trong đó TP. Vũng Tàu và Long Điền mỗi địa phương đóng mới 2 tàu vỏ thép dịch vụ, tàu khai thác.Tỷ lệ đóng mới tàu nên chọn 50% tàu sắt và 50% còn lại đóng tàu gỗ. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tuấn, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, với số lượng đóng mới 212 chiếc vừa vỏ thép, gỗ và vật liệu mới liệu 2 năm có đóng kịp trong khi cơ sở đóng mới tàu thuyền trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 cơ sở?. Còn theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài chính, khó nhất hiện nay là tiêu chí để xét chọn, trong đó phải thỏa mãn các điều kiện của Nghị định 67 và các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. “Cứ cho bà con ngư dân đăng ký, sau đó xét chọn chứ không nên đưa ra tỉ lệ 50-50” - ông Lê Ngọc Khánh nêu ý kiến.
 
Đề cập vấn đề nguồn vốn, bà Phan Thị Hồng Lam, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh BR-VT cho biết, tiền không thiếu, nhưng theo cách vay mới này thì rủi ro rất lớn khi dùng tài sản tàu thuyền để thế chấp, vì vậy khi vay đóng mới, nâng cấp tàu, hội đồng thẩm định cần có cơ chế, chế tài bắt buộc ngư dân tham gia mua bảo hiểm.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.