An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Bảo vệ nguồn nước: Cần sự chung tay của cả cộng đồng.
06:40 | 22/05/2014 Print   E-mail    

              BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC:
Cần sự chung tay của cả cộng đồng.
------------
 
Những năm gần đây, do chịu tác động từ biến đổi khí hậu và một số nơi khai thác nước chưa hợp lý, nên trữ lượng nước của tỉnh BR-VT đang có xu hướng sụt giảm. Vì vậy, vấn đề tiết kiệm nước đang được đặt ra cấp bách với tất cả các ngành chức năng cũng như mọi người dân.

TRỮ LƯỢNG NƯỚC CÓ NGUY CƠ  SỤT GIẢM
 
Hiện trữ lượng nguồn nước khai thác tiềm năng của BR-VT đạt khoảng 676.683m3/ngày (đối với nước nhạt) và 124.588m3/ngày (đối với nước mặn). Trong đó, trữ lượng nước khai thác an toàn của nước nhạt đạt 338.258m3/ngày, nước mặn là 27.147m3/ngày. Tuy nhiên, sự phân bố của các nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh không đồng đều, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Đức với trữ lượng tiềm năng đạt 205.839m3/ngày, kế đến là các huyện: Xuyên Mộc, Tân Thành, Đất Đỏ. Mặc dù là đô thị lớn, nhu cầu sử dụng nước cao nhưng TP. Vũng Tàu chỉ chiếm trữ lượng khai thác tiềm năng 6.216m3/ngày. Với trữ lượng như hiện nay, nguồn nước mặt và nước ngầm ở BR-VT chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có những tác động xấu đến chất lượng nguồn nước.
 
 
Bà Phạm Thị Thanh Giao, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) cho biết, các dòng sông cung cấp nước cho BR-VT chủ yếu là những sông nội tỉnh, ngắn và có lưu vực nhỏ. Nước ngầm dự trữ cũng rất ít, chỉ có thể khai thác khoảng 10.000m3/ngày. Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, tỉnh BR-VT không tránh khỏi nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu nước. Bên cạnh đó, BR-VT cũng là địa phương chịu tác động rõ rệt bởi biến đổi khí hậu trong những năm qua với rất nhiều những biểu hiện như nhiệt độ nóng lên, nước biển dâng, xói lở bờ biển, dòng chảy thay đổi …Cụ thể, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mực nước các hồ thuỷ lợi, các dòng sông xuống dưới ngưỡng khai thác, nguồn nước ngầm cũng không được bổ sung gây cạn kiệt trên diện hẹp, người dân BR-VT, nhất là nông dân thường thiếu nước cho sinh hoạt lẫn tưới tiêu. Nếu như trước đây, mực nước ngầm tại các khu vực Bình Giã, Xuân Sơn, Quảng Thành… cách mặt đất khoảng 7 -8 mét thì hiện nay mực nước ngầm bị hạ thấp cách mặt đất từ 15 -17 mét. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác và xả thải bừa bãi cũng làm cho mực nước ngầm ở nhiều nơi ở huyện Tân Thành, Xuyên Mộc… có dấu hiệu bị ô nhiễm.
 
LÀM CHẬM QUÁ TRÌNH SUY GIẢM NGUỒN NƯỚC
 
BR-VT là địa phương có nguồn tài nguyên nước hạn chế trong khi đó tốc độ phát triển của địa phương vẫn không ngừng tăng mạnh, kéo theo sự sụt giảm trữ lượng nước. Theo Ông Lê Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, sử dụng nước không hợp lý cũng khiến trữ lượng và chất lượng nước ngày càng sụt giảm. Tình trạng người dân khoan giếng, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu được xem là nguyên nhân dẫn đến sụt giảm nguồn nước. Bên cạnh đó, do nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước của người dân còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nguồn nước trong sinh hoạt vàsản xuất, nên đã gây lãng phí nước và kém hiệu quả đối với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động hàng ngày của đời sống…Vì vậy, các cấp, các ngành và người dân phải có ý thức tiết kiệm nước và chung tay bảo vệ nguồn nước. 
 
Bà Nguyễn Thị Huề (huyện Đất Đỏ) cho biết: “Trước đây, chưa có nguồn nước của Nhà nước, tui xài nước giếng hoặc nước bơm, rất cực khổ. Nhưng mà từ khi có nước sạch, cuộc sống của chúng tôi đỡ hơn, nguồn nước ăn uống và sinh hoạt không phải lo nữa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn sử dụng nước rất tiết kiệm. Phần nào rửa rau thì tui dành lại để rửa chén, rửa tô, còn khi làm cá thì lại lấy nước đó tưới rau…”. Anh Nguyễn Phước Phi (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho hay, thời gian qua ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đã phổ biến và khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, bằng cách: tưới nhỏ giọt, tưới phun cho cây trồng lâu năm và ngắn ngày. Đó cũng là cách để tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới so với phương pháp truyền thống trước đây.
 
Những ví dụ trên cho thấy, tiết kiệm, quản lý, sử dụng và khai thác nước thành công không phải là bài học “một sớm một chiều”, cũng không phải là việc của riêng một cá nhân nào mà cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ là việc làm đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này. 
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.