An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Thú chơi xe mô hình điều khiển
04:33 | 14/03/2014 Print   E-mail    

 

 
Với tiếng ống bô rít lên đanh giòn mỗi khi tăng tốc hay những màn drift điêu luyện đưa xe lướt nhẹ qua các khúc cua, chơi xe mô hình điều khiển đem lại cho các tay đua cảm giác như được điều khiển xe thật. Tuy nhiên, môn thể thao này lại rất kén người chơi vì mỗi chiếc xe như vậy có giá không hề rẻ…
 
Đam mê
 
Nếu tới sân Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh (đường Hạ Long, TP. Vũng Tàu) vào những ngày cuối tuần, mọi người sẽ không thể rời mắt khỏi những chiếc “siêu xe” chỉ nặng cỡ 3 đến 3,5 kg của các thành viên CLB xe mô hình điều khiển Vũng Tàu (VRC). Bằng cách điều khiển remote kết hợp chân ga, những chiến xe phát ra những âm thanh đanh giòn rồi lao vút về phía trước với tốc độ chóng mặt. Khi vào khúc cua hình cùi chỏ hay hình chữ S, tiếng ma sát bánh xe trượt dài trên đường sau mỗi cú drift điêu luyện của người chơi càng làm buổi tập trở nên vô cùng hấp dẫn. Theo quan sát của chúng tôi, điểm khác biệt giữa những chiếc xe này với xe thật là không có còi, đèn; không thể lùi và không có ghế ngồi, còn các bộ phận khác như từ động cơ đến hệ thống lái, dẫn động, phanh... đều được làm y hệt xe thật. Chủ nhiệm VRC, anh Nguyễn Anh Kiệt, 37 tuổi, nhà ở đường Lê Lai (TP. Vũng Tàu) cho biết, thành lập vào năm 2009, hiện CLB có 15 thành viên tham gia. Thời gian đầu, anh em phải tự mày mò trên mạng internet, sau đó người đi trước truyền đạt những gì mình học hỏi, tích lũy được cho người đi sau. Dù ở nhiều độ tuổi và làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, nhưng các anh đều có điểm chung là niềm đam mê với loại xe mô hình điều khiển. Trước đây, các thành viên VRC còn góp tiền đổ đất, đá tạo địa hình đồi dốc để luyện tập tại một địa điểm ở phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa), nhưng sau này sân xuống cấp nên chỉ chơi ở sân Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh. “Với những người mới tập chơi, việc đầu tiên là phải học cách điều khiển xe, sau đó mới đến lái. Khó nhất vẫn là lúc tập cua, vì không cẩn thận xe sẽ bị đâm hoặc lật. Tiếp nữa là phải hiểu về xe để cân chỉnh trước khi chạy và sửa chữa nếu bị hỏng. Thời gian học tùy từng người nhưng thường thì chỉ khoảng 1 đến 3 ngày là có thể lái được", anh Kiệt nhận xét.
 
Theo tâm sự của các thành viên trong VRC, môn thể thao này giúp họ có cơ hội giao lưu với nhau, xả stress sau giờ làm việc và đặc biệt là được học hỏi, nâng cao tay nghề về kỹ thuật lái, sửa chữa xe. “Tôi thích nhất được nghe tiếng bô xe rít lên mỗi khi tăng tốc hay những lúc xe vào khúc cua. Mỗi lần điều khiển, nhập tâm và tưởng tượng ra mình đang ngồi lái ở trong xe, đã đem lại cho tôi sự phấn khích khó tả. Nhiều lúc mê chơi đến nỗi quên cả ăn, thậm chí đêm về nằm bên vợ tôi cũng chỉ toàn nghĩ cách làm sao cho xe chạy với tốc độ cao nhất, cua thế nào để xe vừa bám đường vừa nhanh chóng vượt qua đối thủ…”, anh Lê Minh Điểm, 40 tuổi, nhà ở đường Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu), cười nói.
 
 
Và phải có tài chính
 
 Xe mô hình điều khiển bằng động cơ được chia làm 2 loại đường đua: Onroad và offroad. Onroad là loại hình đường đua bằng phẳng, không (hoặc ít) ghồ ghề, tốc độ cao. Tùy theo điều kiện sân bãi, những người chơi onroad thường tự tạo ra các loại địa hình để phù hợp cho việc tập luyện và thi đấu. Offroad là hình thức đi đường địa hình hiểm trở, phức tạp, dành cho những chiếc xe bánh to, gầm cao, tốc độ vừa phải.
Ngoài đam mê với môn này, một điều không thể thiếu là các tay đua phải có khả năng tài chính. Vì là hàng nhập khẩu nên giá cả rất đa dạng. Tùy theo túi tiền, mỗi người có thể lựa chọn cho mình loại xe phù hợp. X-Ray và Hot Bodies, là hai loại xe phổ biến của các thành viên trong CLB, có giá từ 5 đến 50 triệu đồng/chiếc. Đối với những người mới tập và chỉ muốn chơi cho vui, có thể chọn loại xe có đầy đủ bộ phận với giá từ 5 đến 7 triệu đồng, còn những dòng xe cao cấp thì khoảng 10 triệu đồng mới chỉ mua được bộ khung. Muốn xe chạy ổn định và tốc độ cao, các tay chơi thường phải “độ” xe (nâng cấp xe) bằng cách mua thêm các phụ tùng, phụ kiện có chất lượng. Đưa tay chỉ về phía con X-Ray và các thiết bị kèm theo, anh Kiệt nói: “Mới mua “em” này về thấy tốc độ chậm, bộ điều khiển lại bắt sóng yếu, chập chờn nên tôi quyết định bỏ ra hơn 40 triệu đồng để “độ” nó. Bây giờ xe chạy ổn định hẳn và tốc độ có thể đạt 80 đến 120 km/giờ. Nhiên liệu dùng cho loại xe này Nitro, được nhập khẩu từ nước ngoài, có giá từ 150 đến 250 ngàn đồng/lít. Và mỗi buổi tập, nó cũng “ngốn” hết khoảng 1 đến 1,5 lít”.
 
Hơn 2 năm gắn bó với môn này và hiện đang sở hữu 3 “em” X-Ray, 1 “em” Hot bodies, anh Điểm cho biết, chỉ tính riêng bộ điều khiển trên mỗi con xe của tôi có giá từ 12 đến 15 triệu đồng. Bộ điều khiển này giúp tôi dễ dàng kiểm tra được tốc độ trên màn hình, canh được góc độ của bánh lái và xe ít khi bị trượt hay lật nhào khi vào khúc cua. Ngoài ra, con servo (có giá khoảng từ 2 đến 4 triệu đồng) cũng đóng vai trò rất quan trọng vì xe mạnh hay yếu, dễ chết máy lúc va đập, bay nhảy qua mô đất, lúc ngấm nước hay không cũng đều nhờ vào nó. “Đối với những tay chơi lâu năm, xe của họ ít khi bị hỏng nặng mà chủ yếu hay bị mòn lốp và cháy bugi. Mỗi tháng tôi đều phải thay 1 bộ lốp (4 bánh) có giá từ 750 đến 850 ngàn đồng, bugi thì 120 đến 150 ngàn đồng/cái. Nhiều lúc nghĩ lại cũng thấy tiếc, nhưng thật khó cưỡng lại vì mình đã trót đam mê với môn thể thao này”, anh Điểm tâm sự.
 
Bài, ảnh: Minh Phương
BBT.