An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Ấm áp nồi bánh chưng ngày Tết.
08:34 | 21/01/2014 Print   E-mail    

ẤM ÁP NỒI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT.
--------------
 
Không biết tự bao giờ, món bánh chưng đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, là món ăn đặc trưng trong ngày Tết. Vài ngày giáp tết, bếp lửa nhà nào nhà nấy của quê tôi đều ấm áp nồi bánh chưng xanh. Sự quây quần của các thành viên trong gia đình bên nồi bánh chưng ngày Tết như sự sum họp, gần gũi và ấm áp của tình thân. Mọi người cùng nhau háo hức đợi chờ bánh chín giống như háo hức ngày xuân đầu tiên của năm mới với những niềm vui mới, hạnh phúc mới.
 
Cho đến bây giờ, trong tâm trí tôi vẫn không thể quên những kỷ niệm thơ ấu xung quanh nồi bánh chưng ngày Tết. Cảm giác háo hức của một đứa trẻ lon ton chạy theo mỗi bước chân của bố mẹ đang hối hả cho các công việc ngày Tết. Có biết bao nhiêu thứ phải chuẩn bị: nào thịt, nào giò chả, dưa hành…, nào là đi chợ sắm Tết… Nhưng có lẽ cầu kì nhất là chuẩn bị những chiếc bánh chưng.
 
Nấu bánh chưng là một kỷ niệm nhắc tôi nhớ đến bố mẹ . Tôi nhớ vài đôi lần vào dịp giáp tết, bố mẹ tôi gói bánh chưng rồi nấu suốt đêm ở trước nhà. Trước đó tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi bóp đậu xanh thành những viên tròn để làm nhân bánh, bố thì chẻ lạt gói bánh. Cả nhà mỗi người mỗi việc trông đoàn kết, đầm ấm và vui biết bao nhiêu.
 
 
Để có được những chiếc bánh chưng vuông vắn, ăn ngon thường phải mất từ 1 - 2 ngày với rất nhiều công đoạn. Tôi còn nhớ hồi ấy, từ những ngày 27, 28 Tết, các gia đình đã bắt đầu gói bánh chưng. Trước đó, các bà, các mẹ ai nấy đều tấp nập đi chợ mua gạo nếp thơm, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong và một số vật dụng khác.  Lũ chúng tôi ngồi bên bố mẹ, ông bà, bắt chước gói bánh. Mỗi đứa tự tay gói những chiếc bánh cho riêng mình. Đứa nào thích đậu cho thêm đậu, đứa nào thích ăn thịt, cho thật nhiều thịt. Bánh gói mỗi đứa một kiểu rồi tự đánh dấu để cho vào nồi. Bà gói bánh chưng xong, còn thừa gạo, thừa đậu, lại làm những chiếc bánh chưng nhỏ cho lũ cháu. Gần 2 tiếng đồng hồ, bánh đã xếp tròn trong chiếc nồi gang. Bố đặt lên bếp củi cháy trong góc vườn, đổ nước đầy nồi, luộc bánh. Ngày ấy, kinh tế dẫu còn khó khăn nhưng những thứ đó thì không thể thiếu. Dù làm lụng vất vả cả năm nhưng đến tết người dân quê tôi vẫn cố chuẩn bị đầy đủ những món ăn ngon đặc biệt là bánh chưng để cúng ông bà, tổ tiên như thể thể hiện sự kính trọng của truyền thống uống nước nhớ nguồn.
 
Những tối ngồi trông nồi bánh chưng luôn là những kỷ niệm tuyệt vời nhất. Quanh nồi bánh sôi lục bục, lũ nhóc chúng tôi bắc ghế ngồi quanh với vô số món ăn cần bếp lửa. Mẹ để sẵn một rổ đầy khoai lang, khoai tây, ngô, sắn, trứng gà để vùi than. Trên nắp nồi bánh chưng là một chậu nước để sẵn cho nóng. Cạn nước trong nồi lại đổ thêm nước vào đun. Ngồi bên bếp than hồng ăn khoai lang nướng đen xì những đôi môi, nghe ông kể chuyện. Trong ánh lửa tí tách reo vui, những đôi bàn tay nhỏ xíu tạo hình trên vách tường nhà. Ai cũng háo hức chờ bánh của mình chín đến quên cả đi ngủ. Bên bếp lửa ấm, bố cho phép ngồi trông nồi bánh chưng, nhưng thế nào đến tang tảng sáng, cũng có đứa ngủ gật. Ngày Tết mới được thức khuya đến thế. Tảng sáng, mùi bánh đã thơm lừng, quyện trong hương thơm mùi già ngai ngái. Những chiếc bánh con con được bố vớt ra trước vì đã chín, để trong chiếc rá cho ráo nước. Lũ trẻ con mặt mũi nhem nhuốc màu  than củi háo hức nhìn sản phẩm đầu tay.
 
Thời gian trôi nhanh, tôi lớn lên xa quê hương, xa nồi bánh chưng ấm áp để lập nghiệp ở thành phố. Nơi đô thị tấp nập này, mọi người có lẽ ít quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp. Chiếc bánh chưng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết giờ đã ít người tự làm. Các gia đình giờ đây đều không có thời gian gói bánh, luộc bánh và mỗi nhà cũng chỉ có 4 chiếc bánh cúng năm mới. Bánh bán sẵn ngoài chợ, trong siêu thị với đủ giá cả, chất lượng. Hương vị Tết xưa ít nhiều phai nhạt. Nhưng trong ký ức của những đứa trẻ đã từng lớn lên quanh nồi bánh chưng như chúng tôi năm nào, Tết vẫn còn vẹn nguyên trong cành đào thắm, hương mùi già và chiếc bánh chưng xanh. Tôi vẫn không thể nào quên hơi ấm nồng nàn lan tỏa của nồi bánh chưng xanh ngày tết. Hơi ấm đó nó tạo cho lòng mình một cái gì gần gũi, thân thuộc…Mỗi năm tết đến xuân về tôi vẫn cố gắng được về quê ăn tết, để được ngồi canh bếp lửa nồi bánh chưng xanh với những người thân trong gia đình của mình./.
 
Bài, ảnh: Lê Ngân.
BBT.