An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Cần tiết kiệm và chung tay bảo vệ nguồn nước
02:06 | 17/03/2016 Print   E-mail    

BR-VT là địa phương có nguồn tài nguyên nước hạn chế, trong khi đó tốc độ phát triển của địa phương vẫn không ngừng tăng mạnh, kéo theo sự sụt giảm trữ lượng nước. Vì vậy, các cấp, các ngành và người dân cần tiết kiệm và chung tay bảo vệ nguồn nước. 

Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung, không nằm ở mặt tiền đường xuyên đảo Gò Găng – TP. Vũng Tàu nhưng nước sạch cũng đã vào tận nơi. Được biết, nhà bà Nhung là một trong 31 hộ gia đình được Công ty BWACO gắn đồng hồ, lắp đường ống dẫn nước vào tận nhà trong giai đoạn đầu tiên (đầu năm 2013) của dự án đưa nước về Gò Găng của công ty. Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung cho biết, từ Tiền Giang bà và gia đình đến Gò Găng sinh sống tính đến nay đã 32 năm. Trước đây, Gò Găng là một vùng đất hẻo lánh, nhà ở xa bến đò nên bà Nhung phải đào một cái giếng nhỏ ở cạnh nhà để có nước sinh hoạt hàng ngày. Nhưng Gò Găng là vùng đất ngập mặn, nước nhiễm phèn vàng úa, muốn ăn phải múc nước vào lu rồi để lắng 2-3 ngày sau mới ăn được. Trong nhà bà Nhung còn trữ thêm mấy cái lu to hơn để đựng nước mưa, dành sử dụng dần. “Từ khi có nước sạch của công ty cấp nước về, vặn vòi lúc nào là có nước sạch lúc đó. Ăn uống, tắm rửa thoải mái lắm. Chúng tôi mừng hết lớn”, bà Nhung nói không dấu được niềm vui.

Người dân Gò Găng, TP. Vũng Tàu sử dụng nước sạch

Câu chuyện về nước sạch ở Gò Găng đã giúp mọi người hiểu rằng cần phải tiết kiệm nước để người dân ở những vùng thiếu nước, chưa có nước sạch được sử dụng. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT), tổng lượng nước dưới đất của BR-VT đang khai thác là 222.692m3/ngày trong đó 39.466m3/ngày phục vụ cho sinh hoạt, 183.227m3/ngày phục vụ cho sản xuất và tưới tiêu. Tuy nhiên, sự phân bố của các nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh không đồng đều, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Đức với trữ lượng tiềm năng đạt 205.839m3/ngày, kế đến là các huyện: Xuyên Mộc, Tân Thành, Đất Đỏ. Mặc dù là một đô thị lớn nhưng TP. Vũng Tài có trữ lương khai thác tiềm năng nước dưới đất nhỏ nhất, chỉ 6.216m3/ngày. Cũng theo báo cáo của sở này, hiện trữ lượng nguồn nước khai thác tiềm năng của BR-VT đạt khoảng 676.683m3/ngày (đối với nước nhạt) và 124.588m3/ngày (đối với nước mặn). Trong đó, trữ lượng nước khai thác an toàn của nước nhạt đạt 338.258m3/ngày, nước mặn là 27.147m3/ngày.

Theo phòng  Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, BR-VT là địa phương có nguồn tài nguyên nước hạn chế. Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, tỉnh BR-VT không tránh khỏi nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu nước. Bên cạnh đó, BR-VT cũng là địa phương chịu tác động rõ rệt bởi biến đổi khí hậu như nhiệt độ nóng lên, nước biển dâng, xói lở bờ biển, dòng chảy thay đổi… Theo khảo sát, những năm gần đây, mực nước các hồ thuỷ lợi, các dòng sông xuống dưới ngưỡng khai thác, nguồn nước ngầm cũng không được bổ sung gây cạn kiệt trên diện hẹp. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác và xả thải bừa bãi cũng làm cho mực nước ngầm ở nhiều nơi ở huyện Tân Thành, Xuyên Mộc… có dấu hiệu bị ô nhiễm.

Để bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh đã quy hoạch vùng khai thác nước ngầm an toàn của tỉnh có hai giai đoạn 2010 – 2015 và 2015- 2020. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các hoạt động cấp phép khai thác nước phải đảm bảo tuân thủ nghiêm giới hạn khai thác được phân bố theo từng địa phương. Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đã xây dựng mạng lưới quan trắc nước ngầm với 72 giếng khoan quan trắc, qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác trữ lượng khai thác, chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Với nguồn nước mặt, tỉnh cũng đã quy hoạch khai thác bền vững và bảo vệ tài nguyên nước mặt đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang phức tạp, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đối với người dân và đời sống kinh tế - xã hội ngày càng cao, bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi có sự chung tay của toàn xã hội./. 

Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT