An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Nỗi lo không của riêng ai
03:21 | 07/08/2013 Print   E-mail    

           
             Ngày 17/7/2013, Bộ Tài chính đã có văn bản số 9274/BTC-QLG về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được tăng giá bán các chủng loại xăng dầu.Theo đó, giá xăng tăng thêm 460 đồng/lit, giá dầu diezen tăng 470 đồng, dầu hỏa tăng 420 đồng/lít. Với lần tăng giá này, giá xăng A92 sẽ có mức giá bán tối đa 24.570 đồng/lít, dầu diesel 0,05s: 22.310 đồng/lít và dầu hỏa 22.020 đồng/lít. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Chỉ sau hơn 10 ngày kể từ khi giá bán lẻ xăng tăng, ngày 31/7/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 5%  so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đ/kWh). Tại tỉnh BR-VT, theo Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 15/7/2013, giá nước sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng lên. Theo đó, từ 1/8/2013 đến hết năm 2014, nước sinh hoạt đồng bào dân tộc (từ 2.500 đồng/m3 tăng lên 2.700 đồng/ m3), nước sinh hoạt nông thôn ( từ 4.000 đ/m3 tăng lên 5.000 đ.m3), nước sinh hoạt đô thị (từ 5.200 đ/m3 lên 5.800 đ/m3), nước kinh doanh dịch vụ (từ 10.000 đồng/m3 tăng lên 13.000 đồng/ m3)…Giá bán trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
 
 
 
            Dù muốn hay không, thì giá điện, xăng dầu, gas, nước sạch sinh hoạt, viện phí … cũng đã tăng. Hàng triệu người làm trong khu vực nhà nước chưa kịp vui mừng vì được tăng lương tối thiểu mỗi tháng thêm 100.000 đồng, đã ngay lập tức phải chi thêm hàng chục khoản do xăng dầu, gas, điện, học phí, viện phí… đồng loạt tăng. Cô Hải (nhân viên tạp vụ trong một cơ quan nhà nước) cho biết: “Lương của tôi chưa được 2 triệu, của ông xã hơn 3 triệu, hai vợ chồng một tháng được 5 triệu lại còn nuôi hai đứa con ăn học, không biết sẽ xoay sở ra sao”. Chị Hoa (nhân viên văn phòng) than thở “Giá xăng, điện tăng chắc chắn nhiều mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo trong khi lương hai vợ chồng mỗi tháng chưa đầy 10 triệu đồng, lại còn phải trả tiền thuê nhà vì hai vợ chồng chưa đủ tiền mua đất và sắp tới còn phải lo tiền nhập học cho hai con. Tôi thấy mệt mỏi vì phải thu xếp tài chính trong gia đình”. Chị Thanh (kế toán) cho hay “Trước giờ tôi đi chiếc xe Way-S này vì chưa tích được đủ tiền mua xe ga đẹp. Ai chẳng muốn có hình thức trang hoàng tí chút. Nhưng nghĩ đến việc xăng tăng quá trời, tôi thà chịu đi xe này còn hơn là thay xe. Giá này, xe ga ngốn xăng thì phải biết, chẳng biết thế nào cho vừa”...
            Không chỉ có các chị em phụ nữ mới than thở, anh Hoàng làm nghề lái xe ôm tại bến xe Vũng Tàu than vãn “Bây giờ chạy xe ôm ế lắm, bởi nhà nào cũng có xe máy, lại thêm có xe buýt nữa. Trung bình mỗi ngày chạy cũng được 70.000 – 100.000đồng, đổ hết 2 lít xăng, nay xăng lại tăng lên, mặc dù cạnh tranh lắm nhưng lần này chắc phải lên giá thôi, nhưng tăng giá thì khách lại ít đi. Tuy nhiên, điều lo nhất khi giá xăng dầu lên là giá cả các mặt hàng khác sẽ lên theo, trong khi thu nhập của anh em cũng vậy, nên cuộc sống sẽ vất vả hơn". Anh Long (chủ một ghe tàu) cho biết: “dầu Diezel là nhiên liệu chính phục vụ chính cho các tàu đánh cá, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 33%-59% cho một chuyến ra khơi, đi biển những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, ngư trường thu hẹp, nguồn lợi bị khai thác cạn kiệt, nên phải đi rất xa, chi phí thêm ra, mà khi tàu về còn bị các chủ ép giá, giờ không biết tính sao?”. Anh Tuấn (công nhân trong khu công nghiệp Đông Xuyên) lại có nỗi lo khác: “Mình chưa có gia đình, đi làm lương mỗi tháng khoảng 4-5 triệu, lại lo tiền thuê nhà, sinh hoạt, lương chỉ đủ chi tiêu trong tháng, lấy tiền đâu mà lấy vợ”….
Người tiêu dùng đắn đo trong tiêu dùng, mua sắm
 
            Theo ghi nhận của phóng viên, hiện giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang bày bán tại các chợ, trên địa bàn thành phố chưa có sự biến động trong những ngày đầu xăng, dầu, điện tăng giá. Nhưng có thể khi chi phí sản xuất, vận chuyển trong thời gia tới sẽ tăng, và kéo theo giá hàng hóa tăng. Mỗi một mặt hàng chỉ cần tăng thêm vài trăm đồng hay vài ngàn đồng, nhưng nhiều thứ cộng lại cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là những hộ có thu nhập thấp.
             Khi giá xăng dầu tăng thì mặt bằng giá mới lại gần như được hình thành và người dân, nhất là thành phần người lao động có thu nhập thấp lại phải "thắt lưng buộc bụng". Sự tăng giá đồng loạt điện, nước, xăng, gas… có ảnh hưởng đáng kể đối với hộ tiêu dùng, buộc họ phải tính toán, kiểm soát chặt chẽ việc tiêu dùng cũng như các chi tiêu. Đặc biệt là đối với hộ thu nhập thấp, việc bỏ thêm hàng trăm nghìn đồng vào tiêu dùng điện, nước, xăng, gas hàng tháng là món tiền không nhỏ. Các hộ cũng chung mối băn khoăn, lo ngại theo đà tăng giá này, giá cả hàng hóa liệu có leo thang? Và vấn đề này thực sự là một nỗi lo không của riêng ai!
                                                                                                                                        
Bài, ảnh: Dung Đoàn
BBT.