An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Bấm còi xe - hành vi nhỏ thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông.
10:00 | 15/05/2015 Print   E-mail    

 
 

Tiếng còi xe là âm thanh mang ý nghĩa biểu trưng hướng tới sự chú ý của người tham gia giao thông và chuyển tải những thông điệp nhắc nhở về mức độ nguy hiểm, hay đơn giản làm hiệu lệnh.
 
 
Chỉ có các loại xe ưu tiên như xe cấp cứu, chữa cháy, công an, quân sự mới có quyền nhấn còi tránh vào cho vượt qua thế nhưng lâu nay nhiều người thích sử dụng còi xin ưu tiên và tùy tiện, thoải mái bấm còi đến mức bất kể những nơi gần bệnh viện, chốn nghỉ ngơi, điều trị, trường học, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo…
 
Thực tế khi tham gia giao thông, còi xe tải, xe taxi, xe ô tô, xe buýt, xe máy được bấm liên tục. Chúng ta không khó bắt gặp trường hợp: Khi đèn đỏ giao thông còn khoảng vài giây, những người tham gia giao thông phía sau đã hối thúc người đi phía trước bằng việc bấm còi inh ỏi. Còn trên những con đường trong nội thành, một số tài xế xe tải, xe khách, xe buýt liên tục bấm còi để có thể vượt qua những phương tiện khác. Thậm chí có người còn sử dụng “còi chế” tạo ra những âm thanh kỳ quái, cố ý bấm còi cho người khác hết hồn, hoặc gây ra âm thanh náo loạn đường phố. Cũng có khi trên những con đường vắng, nhiều người lạm dụng việc bấm còi để cảnh báo người đi bộ băng qua đường hoặc vượt mặt các phương tiện giao thông khác. Và điển hình nhất, ai cũng khó chịu trước cảnh ùn tắc giao thông, trời nóng và khói bụi, ngoài việc phải nhích từng vòng xe qua những đoạn đường ùn tắc, còn rất mệt mỏi vì tiếng còi xe ầm ĩ, nhức nhối...
.
Ở nước ta, còi xe máy, xe tải, xe taxi, xe buýt… dường như thường chú trọng về âm lượng, tiếng còi thường kêu to, kéo dài. Phải chăng đường sá chật hẹp, hỗn loạn, xe cộ san sát, lái xe mà không bóp còi thì quá ư nguy hiểm, tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào? Không ! Tiếng còi là hiệu lệnh, sử dụng đúng lúc, đúng nơi, vừa âm lượng mới là hành vi cần hướng tới. Tiếng còi lớn và chát chúa luôn tạo nguy hiểm cho nhiều người giao thông trên đường. Mỗi người lái xe cần tiết kiệm tối đa những tiếng còi. Hãy là một người tham gia giao thông có văn hóa.
 
 Luật xử phạt người sử dụng còi trái phép, người tham gia giao thông không tự ý thức về hành vi sử dụng còi, tình trạng này sẽ gây tác hại đối với cả môi trường tự nhiên và nhân văn. Cụ thể,  Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, tại khoản 12, khoản 13 Điều 8 đã quy định nghiêm cấm một số hành vi như: bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h00 hôm trước đến 5h00 ngày sau, bấm còi hơi; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất an toàn giao thông, trật tự công cộng.
 
 Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 5, Nghị định số 171, năm 2013 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự như ô tô vi phạm hành vi “bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau”. Đồng thời, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy vi phạm hành vi này bị xử phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm d khoản 2 Điều 6).
 
Để ngăn chặn tình trạng bấm còi tùy tiện ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Việc sử dụng còi xe hợp lý cũng là một nét văn hóa, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh, thanh bình. Hành vi nhỏ, ý nghĩa lớn.
Bài: Đức Trung

BBT.