An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Mẹ Việt Nam anh hùng – Nỗi đau còn đó.
02:01 | 29/04/2015 Print   E-mail    

 
Đã 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông hoàn toàn thống nhất, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đang cựa mình lớn mạnh với những niềm vui mới, thành công mới… Thế nhưng vẫn còn đọng lại trong tâm khảm là nỗi đau mà các mẹ Việt Nam anh hùng đã và đang phải gánh chịu khi những đứa con của họ không bao giờ trở về, không được chứng kiến sự đổi thay này. Tuổi trẻ hôm nay có thể không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong chiến tranh, nhưng họ hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hi sinh của cả một lớp người đi trước, là chiến công của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Sẽ chẳng có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hi sinh của các mẹ cho Tổ quốc.
(Hình minh họa)
Đã có biết bao nhiêu lời ca viết về mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam từ ngàn đời đã trở thành biểu tượng cao quý của lòng nhân hậu, đức kiên trung. Mẹ đã đi vào trang sách em thơ, đi vào lời ru câu hát, những vần thơ thắm đượm tình người, tình đời. Mẹ Việt Nam một đời lam lũ tảo tần, chắt chiu nuôi dưỡng bao thế hệ cháu con. Mẹ là điểm tựa, niềm tin, là bóng mát chở che, là nhựa sống truyền cho chồi non lộc biếc lớn lên thành những chàng Phù Đổng oai hùng, những cô Tấm dịu hiền.
 
Là người Việt Nam chắc hẳn ai cũng biết đến câu ca: “Tre già yêu lấy măng non – Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày”. Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng các con, yêu con hơn hết thảy, nhưng trước vận mệnh của dân tộc mẹ “Thà mất con, còn hơn mất nước”. Câu nói gọn và sắc đó như một lời thề sắt son với dân tộc, là điểm tựa cho mẹ trước những đau thương mất mát của chiến tranh. Các anh đã ra đi không trở về, để mình mẹ lặng im. Chiến tranh qua đi, mẹ trở thành mẹ của thương binh, liệt sĩ. Vẫn biết chiến tranh là mất mát, hi sinh, những nỗi đau trải dài trên thân thể đất nước và đi vào ngóc ngách của cuộc sống. Ở nơi các mẹ gánh nặng non sông đè trĩu trên vai. Niềm vinh quang chiến thắng rạng ngời xen lẫn nỗi đắng cay nhọc nhằn. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, vết thương lòng mẹ đã chai sạn, nhiều lúc vẫn tấy lên. Chúng ta có thể chia sẻ được bao nhiêu với những hi sinh, mất mát của mẹ.
(Hình minh họa)
Mẹ đã hiến dâng cả máu xương cho đất nước tự do an bình. Nhắc lại những hi sinh lớn lao của mẹ phải chăng là nhắc nhủ chúng ta – những người đang hưởng hạnh phúc trong hòa bình, đừng bao giờ quên lãng quá khứ, một quá khứ thiêng liêng và oanh liệt; đừng bao giờ để mẹ phải chịu thêm một nỗi đau, bởi mẹ đã viết lên bằng máu một trường thiên tiểu thuyết, một huyền thoại về người mẹ Việt Nam anh hùng.
 
Đất nước Việt Nam đã và đang hưởng trọn niềm vui…Trong cái không khí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang hân hoan chào đón tuần lễ mừng 40 năm ngày đại thắng mùa xuân (20/4/1975 – 30/4/2015), chúng ta càng không thể nào quên những giọt nước mắt, những hy sinh thầm lặng của bao người mẹ Việt Nam anh hùng. Đối với mẹ, những vết thương lòng, những nỗi đau là còn mãi mãi. Trong cuộc sống hôm nay, mẹ vẫn dõi theo từng bước chuyển mình của đất nước. Mẹ vẫn chở che cho chúng ta bằng tấm lòng dung dị bao la…/.
Bài: Lê Ngân
BBT.