Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Nỗi lo chất thải từ ngành luyện thép
09:19 | 08/11/2014 Print   E-mail    

 
 
Mỗi ngày các nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh làm phát sinh hơn 800 tấn bụi lò, xỉ thép và đất phế. Trong khi chờ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, hàng chục ngàn tấn chất thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy luyện thép trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có phương án xử lý, ảnh hưởng đến môi trường.
 
Hàng ngàn tấn bụi lò chất ngổn ngang tại nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành) gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
 
Theo thống kê của Sở TN-MT, toàn tỉnh hiện có 5 nhà máy luyện phôi thép gồm: Công ty TNHH thép Đồng Tiến (công suất 250.000 tấn/năm); Công ty CP thép Pomina 2 (công suất 500.000 tấn/năm); Chi nhánh Công ty CP thép Pomina - Pomina 3 (công suất 1 triệu tấn/năm); Công ty thép Miền Nam (công suất 500.000 tấn/năm) và Công ty TNHH thép Fuco (công suất 1 triệu tấn/năm). Tổng công suất hoạt động của 5 nhà máy là 3.250 triệu tấn/năm. Ông Lê Tân Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT tỉnh) cho biết, các nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh đang hoạt động đều có công suất luyện trên 200.000 tấn/năm nên theo quy định của Chính phủ thì 5 nhà máy này thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ TN-MT. Tuy nhiên, việc tồn tại xử lý xỉ thép và bụi lò trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh với khối lượng lớn là do một phần trách nhiệm của các chủ đầu tư chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với chủ nguồn thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó một nguyên nhân quan trọng là do tỉnh phát triển quá nhanh về lĩnh vực luyện thép: Trước năm 2012 chỉ có 3 nhà máy hoạt động, công suất luyện thép khoảng 1.250 triệu tấn/năm, khối lượng chất thải phát sinh khoảng 238 tấn/ngày, chiếm 38%. Sau năm 2012, có 5 nhà máy hoạt động với công suất luyện thép 3.250 triệu tấn/năm. Do vậy, tỉnh bị động, không đủ điều kiện tổ chức xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của ngành thép. 
 
Tháng 6-2013, Sở TN-MT đã có văn bản đề nghị Bộ TN-MT hỗ trợ địa phương thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. Theo chỉ đạo của Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT), cuối tháng 3-2014, Sở TN-MT đã có văn bản yêu cầu 5 nhà máy luyện phôi thép chuyển giao toàn bộ khối lượng bụi lò thép phát sinh trong quá trình hoạt động cho các DN tái chế bụi lò thép đã được Tổng cục Môi trường cho phép thu gom, vận chuyển, xử lý bụi lò thép phát sinh trên địa bàn tỉnh BR-VT (trong đó có Công ty TNHH MTV kim loại màu Thái Nguyên). Cuối tháng 4-2013, tàu Phương Nam 45 chở 2.700 tấn bụi lò thép từ BR-VT về Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên xử lý thì bị Phòng Trinh sát Thủy đoàn 3 (Cục Cảnh sát đường thủy – C68, Bộ Công an) kiểm tra và tạm giữ tại hải phận TP. Vũng Tàu. Từ đó đến nay, bụi lò và xỉ thép của các nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có thêm lần thu gom nào để xử lý.
 
Theo báo cáo của các nhà máy luyện thép, khối lượng xỉ thép, đất phế, bụi lò phát sinh trong quá trình hoạt động luyện thép trên địa bàn tỉnh (tập trung tại huyện Tân Thành) khoảng 801 tấn/ngày trong đó xỉ đen khoảng 606 tấn/ngày; xỉ trắng khoảng 67 tấn/ngày; tạp chất tách từ phế liệu nhập khẩu (đất phế) khoảng 26 tấn/ngày và bụi lò phát sinh khoảng 102 tấn/ngày. Trong “Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh BR-VT đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030”, Sở Xây dựng dự báo, đến năm 2025, khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ ngành luyện thép trên địa bàn huyện Tân Thành sẽ đạt 2.050 tấn/ngày. Tuy nhiên, trong khi, chờ khi Luật Bảo vệ môi trường được chỉnh sửa và chính thức có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2015), hàng chục ngàn tấn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy luyện phôi thép vẫn tồn đọng, chất ngổn ngang ngoài trời tại các nhà máy mà chưa có phương án xử lý triệt để. Chất thải này theo nước mưa và gió phát tán ra môi trường, đe dọa sức khỏe người dân… Hiện Sở TN-MT đã báo cáo về vấn đề này để Bộ TN-MT có biện pháp xử lý.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.