Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu: Ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học “Máy lọc nước biển thành nước ngọt” vào thực tiễn.
01:26 | 08/07/2014 Print   E-mail    

 
Sau hơn 2 năm nghiên cứu và sử dụng thử nghiệm mang lại hiệu quả cao, sáng ngày 7/7, trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu chính thức đưa công trình nghiên cứu khoa học “sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt” vào ứng dụng thực tế. Việc ứng dụng công trình nghiên cứu khoa học này mang lại nhiều ý nghĩa cho cả nhà trường lẫn ngư dân đang đánh bắt xa bờ và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo.
 
Công trình nghiên cứu khoa học “ sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt công suất 500 lít/ngày phục vụ tàu đánh cá xa bờ” được Thạc sĩ Trần Thái Sơn- giảng viên khoa Cơ khí Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu(BRVT) bắt đầu nghiên cứu từ năm 2012. Đến cuối năm 2013, được sự hỗ trợ của trường Đại học BRVT, thạc sĩ Trần Thái Sơn đã chế tạo thành công chiếc máy lọc nước biển với giá thành chỉ bằng một phần ba so với giá thành nhập khẩu.
 
Chia sẻ về động lực và quá trình nghiên cứu đề tài khoa học này, Thạc sĩ Trần Thái Sơn- giảng viên khoa Cơ khí Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu cho biết “ xuất phát từ việc gia đình có người đi biển, bản thân mình từ hồi học phổ thông cũng đã theo ghe tàu đi đánh bắt xa bờ nên vấn đề thiếu nước của ngư dân mình rất hiểu. Chính vì thế, mình muốn làm điều gì đó giúp ngư dân bám biển lâu hơn, đảm bảo sức khỏe hơn và tiết kiệm hơn. Rồi mình may mắn được suất học bổng đi nước ngoài học chuyên về xử lý nước, và mình quyết định khi về VN sẽ nghiên cứu chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt với giá thành hợp lý với điều kiện của ngư dân Việt Nam”
 
Sau khi chế tạo thành công chiếc máy lọc nươc biển đầu tiên, trường Đại học BRVT đã giao máy này cho anh Nguyễn Danh ở phường 6, Thành phố Vũng Tàu dùng thử. Và sau 7 tháng dùng thử nghiệm, anh Nguyễn Danh và các ngư dân phường 6 , Thành phố Vũng Tàu  rất hài lòng với chất lượng và hiệu quả mà máy lọc nước biển mang lại. Anh Danh chia sẻ thêm, nếu sử dụng máy lọc nước này, mỗi tàu cá sẽ tiết kiệm được cả trăm triệu đồng cho chuyến ra khơi đánh bắt. Bởi thông thường với mỗi chuyến ra khơi hơn 2 tháng, trung bình 1 tàu phải chở theo 20-30 m3 nước ngọt, nặng tương đương 20-30 tấn, và cũng chỉ đủ dùng cho ăn và uống của hơn 30 ngư dân trong 2 tháng. Việc sử dụng máy lọc nước biển sẽ tiết kiệm được nhiên liệu 10-15 lít dầu/ngày nhờ bớt được tải trọng 20-30 tấn nước ngọt chở theo. Ngoài ra sẽ không còn cồng kềnh chỗ chứa trên khoang có nơi chất hàng hoá khác. Ngư dân không chỉ ăn, uống mà có thể tắm thoả mái nước ngọt khi có máy lọc nước này khi ra khơi.
 
 
Được Bộ Khoa học công nghệ công nhận, hiện nay, trường Đại học BRVT đã hoàn thiện và triển khai xưởng sản xuất máy lọc nước ngọt thành nước biển tại cơ sở 3, Thành phố Vũng Tàu. Đây là sự thành công bước đầu trong công tác ứng dụng nghiên cứu khoa học của nhà trường.
 
Bà Nguyễn Thị Chim Lang-Hiệu trưởng Trường Đại học BRVT cho biết, từ nay đến năm 2015, trường Đại học BRVT sẽ sản xuất thử nghiệm 40 máy lọc nước biển thành nước ngọt cung cấp theo đơn đặt hàng của các ngư dân vùng biển Long Hải và Thành phố.Vũng Tàu. Ngoài ra, trường Đại học BRVT cũng sẽ sản xuất 14 máy lọc nước biển theo đơn đặt hàng của MTTQVN tỉnh để dành tặng cho các Nhà giàn DK1. Riêng trường ĐH BRVT cũng sẽ sản xuất và tặng các chiến sĩ Nhà giàn DK1 một chiếc máy lọc nước biển. Được biết, một chiếc máy lọc nước nước biển thành nước ngọt do trường Đại học BRVT sản xuất có giá 74 triệu đồng.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.