Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Liên hoan Diều quốc tế Vũng Tàu: Nỗ lực Bảo tồn và giới thiệu diều sáo Việt Nam
07:45 | 27/04/2015 Print   E-mail    

 
Ngày 21 và 22.4, tại chợ Du lịch Vũng Tàu, Ban tổ chức liên hoan Diều quốc tế Vũng Tàu lần VI, năm 2015 đã tổ chức lớp sáng tác, chế tác diều cho 150 em học sinh. Các em được được các nghệ hướng dẫn cách làm hoàn chỉnh một con diều. Chỉ sau một thời gian ngắn, các em đã tự tay làm và trang trí được những con diều sáo Việt Nam với đủ loại màu sắc.
 
20150425_151225.jpg
 
Người trực tiếp chỉ dẫn cho các em học sinh là Nghệ nhân Quan Hằng Cao (Thành viên Hiệp hội Diều thế giới và Đông Nam Á, người có nhiều năm kinh nghiệm, nghiên cứu sưu tầm và nỗ lực giới thiệu diều sáo Việt Nam ra thế giới) chia sẻ: Tại các festival diều quốc tế, tiếng sáo diều ngân nga, vang xa khiến bạn bè thế giới kinh ngạc. Không chỉ thu hút người nghe tại nơi tổ chức mà còn lay động lòng người bao người dân gần đó.
 
Theo các nghệ nhân, từ lâu, thả diều sáo đã trở thành một thú chơi dân dã, nét văn hóa thanh tao của người việt. Ngay cả bây giờ, ở thành phố, khi không gian bay cho những cánh diều bị thu hẹp dần bởi nhà cao tầng san sát, thì thú chơi ấy cũng đầy sức cuốn hút, từ người già, đến trẻ nhỏ. Trước tiên là trò chơi của trẻ em, cũng như thú vui của tuổi già, sâu xa hơn nó biểu tượng cho những ước mong, khát vọng chinh phục thiên nhiên, cầu mong mưa tạnh, gió hoà của cư dân Việt.
 
Diều sáo không chỉ xuất hiện nhiều tại các làng quê mà ngay tại thành phố chúng ta cũng được nhìn thấy, lắng nghe và cảm nhận những âm thanh vi vu ngân nga của nó. Không dùng máy móc, kỹ thuật hiện đại diều sáo được làm bằng tay khéo léo có nét hấp dẫn riêng. Diều sáo gồm 2 phần chính: diều và sáo, được làm nên từ những nguyên liệu thân thuộc, sẵn có ở hầu hết các vùng quê Việt Nam.
 
Mỗi nghệ nhân có một cách làm và chơi diều sáo đặc sắc, xuất phát từ văn hóa địa phương hay bí quyết trao truyền.
 
Nghệ nhân chơi diều Nguyễn Đình Chiến (Câu lạc bộ Diều sáo Đắc Lắc) chia sẻ những quan niệm và kinh nghiệm làm diều sáo cho biết: “Theo kỹ thuật cổ truyền, các cụ làm diều sáo bằng tre và giấy bản. Thân diều được chọn từ những cây tre gai già, vót phơi khô. Kỹ thuật vót thân phải đạt “cứng trong, mềm đầu cánh, phớt bùng”. Giấy dán lên thân diều là loại giấy rất mỏng được quét phủ nhựa sung thành nhiều lớp. Ngày xưa, diều sáo chỉ có diều liền không có đuôi, ngày nay không chỉ thêm đuôi mà các chất liệu làm diều được thay thế.
 
Nghệ nhân Chiến cho biết thêm: Thả diều sáo là thú chơi truyền thống của cha ông để lại, có từ thời vua Lê, cái nôi của diều là Đền Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

 

Nghệ nhân Cao Đức Uy (Câu lạc bộ Diều Quê hương, quận 9, TP.HCM) lại chỉ ra một cách khác trong việc chọn tre làm diều: thân diều được làm từ tre tốt chọn theo mùa, ngâm dưới nước 20 – 21 ngày, mới sử dụng được không sợ bị mọt. Giấy dán bao thân là giấy bổi, được quét từ bột củ sắn, củ nâu để tránh thấm nước. dây diều được làm từ tre hóp chẻ ra, luộc lên, phơi khô và nối lại. Kỹ thuật làm diều được đánh giá trên các yếu tố bay cao, bay đứng (diều không bị lắc) và âm thanh hay. Những người sành chơi diều chỉ cần nhìn và nghe tiếng sáo là biết diều vùng nào, tỉnh nào. “ Mỗi khi thưởng thước âm điệu ngân nga của tiếng sáo lòng thấy đỡ mệt mỏi, tinh thần vui tươi khỏe khoắn”, nghệ nhân Uy tâm sự.
 
 
Có cùng chia sẻ về cách chọn tre, nhưng nghệ nhân Đỗ Văn Hiển (CLB diều Xuyên Mộc) lại lý giải được vấn đề. Anh cho rằng: “Muốn làm một con diều sáo chuẩn, tốt phải chọn tre già ít nhất từ 4 đến 6 năm tuổi, và chặt vào mùa khô, bỏ đoạn gốc. tre mùa mưa có nhiều nước trong thân, dễ bị mục, ít dẻo. Kỹ thuật làm diều ngày xưa dựa trên các tiêu chuẩn: diều thả đạt độ cao, độ cân, hình dáng đẹp. Về hình dáng thì mỗi nghệ nhân làm một kiểu khác nhau: diều lá roi, diều trăng khuyết, cánh cung, nó còn được thay đổi, phát triển theo nhu cầu của người chơi. Ngày nay khi tham gia các cuộc thi quốc tế, diều được tháo dời xếp gọn và mang được đi xa do có sẵn ống nối. Theo anh, đã là nghệ nhân làm diều thì phải tính đến gió. Ngày xưa diều không có đuôi, còn được gọi là cái cồng cồng, ngày nay có thêm đuôi mục đích chính là đẩy diều lên cao, mang được những bộ sáo lớn. Thân diều khi đạt chuẩn phải chịu được gió cấp 4, cấp 5, có sự đàn hồi tốt, gió to cọp vào còn gió nhỏ dương ra hứng gió”.
 
Nghệ nhân Hiển còn tỏ ra rất am tường trong kỹ thuật làm sáo. Anh chia sẻ: “dân chơi nghe tiếng sáo là biết trình độ của người làm. Sáo có bộ 3,5,7,9,11. Mỗi bộ tương ứng với một kích cỡ của con diều. Tiếng sáo kêu chuẩn dựa trên các yếu tố: bô, bi, ro, rí, rị. Tiếng sáo diều truyền thống không chỉ đơn thuần là một âm thanh, nó được kết hợp bởi nhiều ống sáo khác nhau, được xếp theo tỉ lệ nhất định. Mỗi vùng làm một cách, do đó tiếng sáo diều cũng mang đặc trưng của vùng và mỗi làng quê. Người tinh chỉ cần nghe được tiếng sáo, cũng biết được đó là diều của ai”.
 
Vâng còn rất nhiều nghệ nhân diều sáo Việt Nam tham gia liên hoan diều quốc tế, mỗi người có một bí quyết chế tác diều độc đáo riêng, tất cả làm nên sự độc đáo diều sáo Việt Nam trong bức tranh muôn màu diều các nước.
 
Đến lớp học sáng tác, chế tác diều, chúng ta cảm nhận được sự say mê và tình yêu đối với các con diều của các em học sinh, cũng như những nỗ lực của các nghệ nhân chơi diều trong việc bảo tồn cánh diều sáo Việt Nam. Hy vọng rằng những con diều sáo luôn bay xa và mang hình ảnh văn hóa Việt ra khắp mọi nơi trên thế giới.
 
Bài, ảnh: Đức Trung
BBT.