Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Vũng Tàu ngày giải phóng- Ký ức đẹp trong lòng các lão thành cách mạng
09:56 | 25/04/2015 Print   E-mail    

 
40 năm đã đi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Thế nhưng trong ký ức của những người đã từng tham gia, đóng góp sức mình cho ngày toàn thắng, tinh thần quả cảm, khí thế sục sôi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy vẫn còn ghi dấu. Và trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam năm nay, phóng viên Phòng VHTT Thành phố Vũng Tàu đã tìm đến các vị lão thành cách mạng của Thành phố Vũng Tàu để lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện của họ về những ngày tham gia vào chiến dịch giải phóng Thành phố Vũng Tàu.
 
 
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, ngôi nhà số 36/29, tại đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TPVT lại trở thành nơi gặp gỡ của những người bạn, người đồng đội, đồng chí đã từng cùng nhau tham gia chiến dịch giải phóng Thành phố Vũng Tàu. Đây cũng chính là cơ sở của Ban cán sự nội ô, nơi ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư tỉnh ủy BRVT trú ẩn, trực tiếp chỉ đạo lực lượng cơ sở nội thành phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt quân Mỹ- Ngụy đang cố thủ tại TPVT. Chia sẻ về những ngày tháng khó quên ấy, ông Trần văn Khánh cho biết, năm 1975, với tư cách là Phó bí thư Thị ủy Vũng Tàu kiêm trưởng Ban cán sự nội ô, ông Trần Văn Khánh chỉ đạo, điều hành hoạt động của các Chi đoàn thanh niên và các lực lượng cách mạng bí mật của địa phương. Trong đó tập trung vào các hoạt động như: vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia chiến đấu; thuyết phục lực lượng phòng vệ dân sự của địch đầu hàng và đi theo phục vụ cách mạng; bố trí nơi ăn ở và dẫn đường cho bộ đội chủ lực vào tiếp cận các căn cứ địch; may cờ chiến thắng, rải truyền đơn, treo băng rôn khẩu hiệu yêu cầu địch đầu hàng, hô hào mừng chiến thắng...v..v...
 
Ông Trần Văn Khánh – Nguyên Bí thư tỉnh ủy BRVT cho biết “Khí thế lúc đó rất là hừng hực. Cả tháng trời tối về là bàn kế hoạch, sáng thì xuống các phường chỉ đạo, cả tháng trời thức suốt đêm suốt ngày mà không biết mệt là gì. Ngoài chuyện chỉ đạo chung rồi, tôi còn chỉ đạo cả đoàn thanh niên. Hồi đó bí thư Thành đoàn TPVT huy động cả nhạc sĩ, những người biết ca hát, đội văn nghệ thanh niên dùng lời ca tiếng hát của mình để kêu gọi, tập hợp thanh niên hỗ trợ cho phòng trào quần chúng.”
 
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh- Nguyên Trưởng phòng nội vụ LĐTB&XH Thành phố Vũng Tàu kể: “Lúc đó tinh thần chúng tôi rất là phấn khởi, cứ như người đi trên mây vậy, rất mong bộ đội vào VT để chúng ta giải phóng cho dân bớt khổ, bớt lầm than, bớt đổ máu. Khoảng ngày 22/4, chúng tôi được vào căn cứ để nhận nhiệm vụ cấp trên phân công chuẩn bị giải phóng VT. Lúc đó tôi là bí thư chi đoàn nên tôi về chỉ đạo các đoàn viên khi nào bộ đội vào tới VT  thì sẽ dẫn các anh đến các điểm quan trọng của địch để giải phóng. Và sau khi giải phóng rồi thì chúng tôi chịu trách nhiệm treo cờ chiến thắng ở những điểm quan trọng.”
 
Nhớ lại những khoảnh khắc hào hùng, ông Lương Đức Canh – nguyên chủ tịch Hội cựu chiến binh phường 12, TPVT xúc động cho biết, năm 1975, với vai trò là Phó chính trị Thị đội Vũng Tàu, ngày 28/4, sau khi nhận được lệnh giải phóng Vũng Tàu, ông Canh cùng với chỉ huy của mình chỉ đạo lực lượng của đơn vị hỗ trợ, phối hợp với lực lượng các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng chia làm ba mũi tiến về Vũng Tàu, tiêu diệt những cụm phòng thủ cuối cùng của địch ở miền Đông.
 
Ông Canh hào hứng kể: “Lúc đó đội chúng tôi phân công các cánh chia làm 3 mũi. Một mũi ở Long Sơn chỗ rừng Sác phối hợp với C19, Đoàn 10 và bộ phận quân báo R cùng với du kích xã Long Sơn và một bộ phận Sư Sao Vàng tức là khu núi Nứa để giải phóng xã Long Sơn. Còn cánh thứ 2 là cánh chính  từ bên Thị xã Bà Rịa đánh thẳng vào quốc lộ 15 vượt qua cầu Cỏ May để vào giải phóng từ Phước Thắng sang Thắng Nhất rồi xuống Thắng Nhì và xuống tới Núi Lớn và về tới khu vực phường 1 hiện nay. Cánh thứ 3 triển khai xuống Cửa Lấp đánh vào Trại Nhái, đồng thời đánh dọc theo bãi biển bãi Sau và đánh vào Thắng Tam rồi lên giải phóng Núi Nhỏ. Tuy nhiên, khi mình triển khai cánh đánh vào đường Quốc lộ 15 đến cầu Cỏ May thì địch đánh sập cầu cho nên cả lực lượng của ta không tiến quân vào được đường đó. TRước tình hình đó, quân ta mới điều một bộ phận ở Cửa Lấp đánh dọc theo phường Phước Thắng đánh lên cầu Cỏ May để giải vây cho đơn vị mũi chính đi vào đánh trong nội ô Thành phố. Với tinh thần đó, khi bộ đội ở cánh Trại Nhái đánh lên thì địch hoang mang và rất  rệu rã, chúng không còn khả năng chống cự nữa và bắt đầu rút chạy. Khi đó, chúng tôi mới điều tất cả ghe thuyền từ Phước Tỉnh, có bao nhiều ghe lớn, thuyền nhỏ, tre nứa tập trung làm bè để cho bộ đội di chuyển qua sông. Trong quá trình tiến đánh từ dọc cầu Cỏ May xuống VT, quân ta đã bắn được 2 chiếc xe tăng của địch, chúng hoang mang vất súng đầy đường 30/4 như đống củi. Chúng còn cởi đồ lính ngụy và chạy vào nhà dân xin quần áo để trốn chạy...”
 
Kể cho chúng tôi nghe về những giờ phút lịch sử, Ông Vũ Anh Miệu – Nguyên phó chánh văn phòng Tỉnh ủy BRVT cho biết, ngày ấy, ông là một cán bộ cơ yếu của văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa- Long Khánh, trong những ngày từ 20 đến 30/4/1975, văn phòng của ông liên tục nhận được những chỉ đạo mật từ Trung ương chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Vũng Tàu. Để kịp thời chuyển tải các chỉ đạo, đường hướng giải phóng Vũng Tàu của TW đến lãnh đạo địa phương, các cơ sở cách mạng nội thành và thông tin lại tình hình tại địa phương cho cấp trên, ông Miệu cùng các đồng nghiệp của mình ngày đêm không nghỉ để dịch, viết và gửi các tài liệu mật. “ Nhiệm vụ của tôi lúc đó làm thông tin cho lãnh đạo cấp dưới, lãnh đạo cấp trên, có nghĩa là thông tin tình hình quân địch và chiến thắng của ta, tình hình dân chúng nổi dậy để cho lãnh đạo cấp trên nắm được tiếp tục chỉ đạo ở mặt trận”, ông Miệu chia sẻ thêm.
 
Được sự hỗ trợ tích cực của nhân dân Vũng Tàu, các lực lượng cách mạng nội thành, Đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, sau 3 ngày chiến đấu anh dũng, kiên cường, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta lần lượt chiếm được các căn cứ, cở sở của địch, kết thúc chiến dịch giải phóng Vũng Tàu bằng trận đánh cuối cùng tại khách sạn Palace. Và ngày 30/4 đã đi vào lịch sử, trở thành một ký ức đẹp, sâu đậm trong trái tim của quân và dân Thành phố Vũng Tàu.
 
Nhớ lại khoảnh khắc ấy, bà Lê Thị Thanh Mai- Nguyên chủ tịch Hội phụ nữ phường 11, TPVT không ngăn được dòng nước mắt xúc động: “ Ngày ấy tôi là bí thư chi đoàn phường Phước Thắng, đồng thời nằm trong đội ngũ hoạt động cách mạng nội thành. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ dẫn bộ đội đến các căn cứ địch và rải truyền đơn, treo cờ chiến thắng, tôi trở về nhà và có mời một anh bộ đội ở ngã tư bến Đình vào xóm để thuyết phục bà con nhân dân mở cửa nhà chào mừng chiến thắng. Tôi hô hào “mời bà con ra đây, cách mạng đã về, bộ đội giải phóng quân đã về”. Rồi anh bộ đội này cũng nói “ Xin chào mừng đồng bào!”. Lúc đó người dân xóm tôi người ta rất phấn khởi mở cửa ra reo hò. Nhiều nhà còn dương cờ tổ quốc cỡ lớn ra phất chào mừng mình dù trước đó mình đã phát cho họ cờ nhỏ. Có thể nói, những hình ảnh đó tôi khó mà quên được trong lòng mình, trong ký ức của mình. Mỗi lần nhớ đến là tôi lại xúc động lắm”
 
40 năm trôi qua, những người từng tham gia chiến dịch giải phóng Vũng Tàu ngày ấy giờ đây tóc đã bạc màu. Khi nhắc nhớ về một thời hoa lửa, họ dường như thấy mình trẻ hơn và sống lại những khoảnh khắc hào hùng thuở ấy. Nhất là khi thắp nén hương tưởng niệm đến những đồng chí, đồng đội, những chiến sĩ đã hi sinh, các vị lão thành cách mạng càng thấy thấm thía hơn về nền độc lập, tự do của dân tộc- nền độc lập được đánh đổi từ máu xương của biết bao người dân Việt. Để rồi hôm nay, khi đứng trước một Thành phố Vũng Tàu yên bình, khang trang, hiện đại, lòng các vị lão thành cách mạng lại dâng lên một niềm vui, niềm tự hào vì mỗi người một nhiệm vụ đã góp một phần công sức của mình làm nên sự thay đổi kỳ diệu ấy.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.