Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Chiến công “Một ngày bằng hai mươi năm”
03:43 | 15/04/2015 Print   E-mail    

 

Sau chiến thắng chiến dịch Tây Nguyên, đã mở ra bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Để mở rộng chiến thắng, Quân đoàn 2 được phân công kết hợp với Quân khu 5 và Quân khu Trị-Thiên dùng toàn bộ lực lượng chủ động, táo bạo, tiến công phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch, tăng thêm lực lượng về đồng bằng tiến công cắt đứt giao thông của địch ở đường số 1. Sáng 21/3/1975, Sư đoàn 325 cắt đứt đường số 1, đẩy địch vào tình trạng hoang mang, rối loạn, tạo điều kiện để các đơn vị phát triển tiến công, hình thành thế bao vây Huế và bịt các đường rút ra biển, không để địch rút về Đà Nẵng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng TP Huế (trưa 25/3) và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên (ngày 26/3).
 
Ở phía nam TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng thắng lớn. Trước diễn biến hết sức mau lẹ trên chiến trường, ngày 25/3/1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm mở Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.Từ ngày 26/3, trên các hướng, Quân giải phóng bắt đầu tiến công các vị trí phòng thủ vòng ngoài của địch, mở đường tiến vào thành phố. Ở hướng Bắc, Quân đoàn 2 đánh chiếm Phước Tường, Lăng Cô, đèo Hải Vân, kho xăng Liên Chiểu, tiến vào trung tâm thành phố. Ở hướng Nam, các đơn vị chủ lực Quân khu 5 và lực lượng vũ trang Quảng Đà pháo kích chặn các cửa biển, đánh chiếm quận lỵ Duy Xuyên, Vĩnh Điện, thị xã Hội An, sân bay Nước Mặn, bán đảo Sơn Trà, căn cứ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, sân bay Đà Nẵng, tiến vào cắm cờ trên nóc Tòa thị chính thành phố. Nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ khắp nơi. 15 giờ ngày 29/3, ta giải phóng hoàn toàn TP Đà Nẵng, kết thúc thắng lợi chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng.Chỉ sau 08 ngày(từ 21 đến 29/3/1975), trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 120.000 tên địch, thu 129 máy bay, 179 xe tăng-thiết giáp, 327 khẩu pháo, hơn 1.000 xe quân sự…; đập tan toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Quân khu 1, giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh, trong đó có 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng.​​ Thừa thắng xông lên, cánh quân Duyên hải, mà nòng cốt là Quân đoàn 2 đã tiến quân thần tốc theo hướng đường số 1,giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, đập tan tuyến phòng thủ của Quân đoàn 3 ngụy ở Phan Rang; tiếp đó giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân và ngày 18-4 đã tiến tới Rừng Lá giáp cửa ngõ Xuân Lộc.
 
Mô tả: http://www.htv.com.vn/CMSListPic/CHUYENDE/30-4/images616388_x.jpg
Xe tăng quân giải phóng tiến vào TP Đà Nẵng (Ảnh tư liệu)
 
Đòn tiến công Huế-Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung là bài học quý về tổ chức điều hành các chiến dịch lớn trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, thời cơ giải phóng Sài Gòn đã đến. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày 7/4/1975 đã gửi 02 bức mật lệnh cho các đơn vị quán triệt tư tưởng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng….”,“.. với tinh thần một ngày bằng 20 năm quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975” để chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Quán triệt quyết tâm đó, mặc dầu “cánh cửa thép” Xuân Lộc được quân địch tập trung cố thủ để bảo vệ cánh cửa phía đông tiến vào Sài Gòn, nhưng chỉ trong vòng từ 09/4 đến ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng. Trong hơn 10 ngày chiến đấu, Quân chủ lực cùng các lực lượng vũ trang địa phương đã tiêu hao và tiêu diệt một lực lượng lớn của địch, gồm những đơn vị mạnh nhất, được tin cậy nhất của địch như Sư đoàn 18, Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, Lữ đoàn 1 dù. Trong trận này, ta đã tiêu diệt 2.056 tên địch, bắt 2.785 tên, diệt và đánh thiệt hại nặng 3 chiến đoàn bộ binh, hai chi đoàn bọc thép, một số đơn vị pháo binh, biệt động, quân dù… Ta thu 48 ô tô, 1.499 súng (có 14 khẩu pháo 105 ly và 155 ly), 100.000 viên đạn các loại, phá hủy 16 ô tô, 42 xe tăng, xe bọc thép.
 
Mô tả: http://image.qdnd.vn/Upload/hoangha/2010/4/9/090410ha30.jpg
Bộ binh, xe tăng Quân giải phóng tiến công thị xã Xuân Lộc
 
Cánh cửa thép Xuân Lộc (tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng của Sài Gòn)bị  đánh sập, quân ta đã dọn sạch trở lực còn lại trên đường hành trình tiến về Sài Gòn. Những ngày tiếp theo tất cả các tuyến phòng thủ trên các hướng của địch đã bị quân ta chọc thủng, quân giải phóng có thể tiến ngay vào thành phố, 9g sáng ngày 30 tháng 4, Tướng Trần Văn Trà lệnh cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. 10g45 cùng ngày, xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ Dinh Độc Lập,xe tăng 390 húc tung cánh cửa chính của dinh. 11g30 ngày 30 tháng 4, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trên nóc dinh Độc Lập xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên, Sài Gòn đã hoàn toàn được giải phóng, chấm dứt hơn 20 năm xâm chiếm của đế quốc Mỹ.
                                                                            
Bài: Trọng Chu
BBT.