Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Vườn dừa nghiêng – Bản lĩnh của sự đương đầu!
05:34 | 12/04/2015 Print   E-mail    

 

Đi dạo trong công viên bãi Trước, ngắm nhìn cây cối, cảnh vật được vun trồng, bài trí ở đây ta thấy rất ngạc nhiên là cả vườn dừa cây nào cũng xanh tốt, được trồng theo hàng, từ cây cao đến cây thấp đều có thân hình phát triển và đều nghiêng mình vươn ra phía biển. Có cây cao tới 20–30 mét mà vẫn vững chãi, ngả mình soi bóng xuống làn nước xanh, hiên ngang hướng ngọn ra phía biển sẵn sàng chống chọi với những cơn gió lớn ập tới.
 
Quả thực vậy, Bãi Trước - Vũng Tàu quanh năm gió từ biển thổi vào, thỉnh thoảng còn có những cơn lốc, bão lớn… Để chống đỡ được sức gió và duy trì sự sống lâu dài trên vùng đất này, những hàng dừa ở đây phải tự mình tạo ra được sức đề kháng, biết vượt qua được điều kiện bất lợi khi có gió, bão để mà tồn tại.
 
 
Cây dừa thuộc loại thân gỗ hình trụ lớn, đơn thân, mọc thẳng, thớ sợi dọc, dẻo, có nhiều lớp xếp theo vòng tròn của thân cây,thân dừa không phân nhánh vì vậy rất khó bị gãy, chiều cao trung bình khoảng 15-20m. Với những cây khỏe mạnh và phát triển trong điều kiện thuận lợi có thể cao đến 30m. Trong quá trình sinh trưởng thân cây dừa có xu hướng luôn sẵn sàng đương đầu với thử thách, bởi vậy để chống lại gió biển, thân cây dừa bao giờ cũng cố gắng vươn ra phía biển. Trong giai đoạn đầu từ sau khi trồng thân dừa ngắn, phát triển chậm, cho đến khi chiều ngang phát triển đầy đủ thì thân mới bắt đầu cao lên.Do cấu tạo của thân không có tầng sinh mô thứ cấp, nên những tổn thương trên thân dừa không có khả năng tự liền được và đường kính thân cũng không phát triển theo thời gian.Thân dừa phát triển từ ngọn nên cây sẽ chết nếu ngọn bị tấn công do sâu bệnh hay do tác động cơ học khác, chính vì vậy trong quá trình chăm sóc, ta nên vệ sinh và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên ngọn cho cây dừa. Để bớt tải cho thân cây đồng thời tránh trường hợp chẳng may có quả dừa bị rụng, rơi vào đầu người chơi dưới đất, định kỳ thời gian công nhân chăm sóc leo lên ngọn chặt bỏ hết những chùm quả (dù vẫn còn non) và giật những tàu lá vàng không để nó tự rụng.
 
Dừa ở bãi trước thuộc loại dừa cây cao nên có gốc phình to, Dừa có bộ rễ bất định,được sinh ra liên tục ở phần đáy thân gốc, không có rễ cọc. Rễ lúc mới mọc có màu trắng sau chuyển sang màu đỏ nâu, không có rễ lông hút mà chỉ có những rễ nhỏ là rễ dinh dưỡng. Những rễ này hình thành trên rễ chính và nó hoạt động như rễ hô hấp, giúp cho cây trao đổi khí.  Hệ thống rễ dừa phần lớn tập trung ở xung quanh gốc trong vòng bán kính 1,5 – 2m; nếu cây cao, lâu năm vòng bán kính của chùm rễ lên tới 4 – 6m (bằng chiều dài của bẹ lá). Rễ có thể ăn sâu đến 4m, trong đó 50% rễ tập trung ở độ sâu 50cm dưới lớp đất mặt, do vậy đã tạo ra được sức bám cho cây dừa vào đất, vì thế cây dừa rất ít bị bật gốc khi gặp gió bão.
 
Là dừa thuộc loại lá đơn, xẻ thùy lông chim gồm: cuống và gânchính (gọi là bẹ)dài 4–6 m, các thùy (lá) với gân nhỏ có thể dài 60–90 cm. Với cấu tạo lá dừa như vậy mỗi khi gió biển thổi nhẹ, lá dừa đung đưa dưới làn mây trắng, đã tạo ra vẻ duyên dáng cho cây dừa.Bẹ dừa dạng “lưới” ôm lấy thân cây, cân đối theo vòng tròn, tạo ra thế cân bằng về động học mỗi khi gió thổi, vì vậy tạo được thế vững chắc cho cây, các bẹ già khi rụng sẽ để lại vết sẹo trên thân cây, quan sát và đếm số lượng vết sẹo ta có thể tính tuổi cho cây dừa (thường 01 tháng dừa thay một bẹ lá).
 
Dừa phát triển tốt trên đất cát pha và có khả năng chống chịu mặn tốt, cũng như nó ưa thích những nơi sinh sống có nhiều nắng, gió, có lượng mưa bình quân 750-2.000 mm hàng năm, điều này giúp cho cây phát triển tốt và định cư lâu dài bên các bờ biển nhiệt đới nhất là bãi biển Vũng Tàu, mà công viên Bãi Trước là một địa điểm lý tưởng nhất.
 
Vườn dừa ở công viên Bãi Trước là vốn quí nhờ có điều kiện thiên nhiên ban tặng và được sự chăm sóc chu đáo của con người, nó tạo ra vẻ đẹp và nâng tầm giá trị cho công viên – Trung tâm vui chơi, giải trí và là một địa điểm du lịch hấp dẫn. Nó còn tượng trưng cho nghị lực và bản lĩnh đương đầu với những thử thách, khó khăn để duy trì sự sống. Bởi vậy bảo vệ và chăm sóc cho vườn dừa là trách nhiệm không những của người có chức trách, mà còn là của mỗi người dân khi tới công viên để hưởng thụ.
                                                                            
Bài, ảnh: Trọng Chu
BBT.