Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Ngành GD-ĐT thực hiện các giải pháp Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo
09:22 | 05/02/2015 Print   E-mail    

Nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo, đồng thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, năm 2013, BCH TW Đảng khóa XI, hội nghị lần thứ 8 đã ban hành Nghị quyết số: 29-NQ/TW về “ Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”. Sau một năm thực hiện Nghị quyết này, chất lượng GD-ĐT của tỉnh tuy đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả nhất định, song, ở một số mặt vẫn còn hạn chế, chưa hiệu quả. Do vậy, để thúc đẩy việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tại tỉnh hơn nữa, đầu năm học 2014-2015, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch hành động với nhiều giải pháp, hoạt động cụ thể.

Năm học 2013-2014, năm đầu sau khi thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH TW Đảng, việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phương pháp học tập sáng tạo cho học sinh được ngành GD-ĐT tỉnh quan tâm thường xuyên. Các địa phương đã triển khai linh hoạt, có hiệu quả việc thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp từng lứa tuổi, từng cấp học và từng địa phương. Công tác bồi dưỡng, thi học sinh giỏi quốc gia tiếp tục được cải tiến...... Mặc dù vậy, chất lượng giáo dục của tỉnh nhìn chung vẫn còn hạn chế: hệ thống trường lớp thiếu cân đối, nơi thừa nơi thiếu phòng học; số học sinh học hai buổi ngày, học bán trú, học tiếng Anh ở cấp tiểu học còn thấp; thiết bị dạy học được trang bị lâu năm, nay đã xuống cấp, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học; chất lượng, thành tích học sinh giỏi ở cấp Quốc gia và Quốc tế chưa tương xứng với sự đầu tư của tỉnh; việc thực hiện phân luồng sau THCS chưa đạt hiệu quả; công tác giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống cho học sinh còn nhiều hạn chế, tình trạng bạo lực trong nhà trường còn xảy ra; đội ngũ giáo viên mặc dù đủ về số lượng, đủ chuẩn về chuyên môn nhưng chất lượng thực sự chưa tương xứng trình độ đào tạo...Vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, năm học 2014-2015, Đảng ủy, UBND tỉnh yêu cầu ngành GD-ĐT tỉnh và chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp trong kế hoạch hành động đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT của tỉnh và TW.
 
Ông Nguyễn Thanh Giang- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh BRVT cho biết: “Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và của UBND tỉnh, ngành đã và đang thực hiện quyết liệt các hoạt động để hướng đến thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trên địa bàn tỉnh. Đổi mới từng mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy, phương pháp học. Đổi mới các điều kiện dạy và học. Đổi mới các hoạt động dạy của thầy, học của trò và kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng chuyển từ dạy theo tiếp cận nội dung sang mục tiêu, dạy để phát triển năng lực người học, đó là những điểm mới”
 
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo, phối hợp các cơ quan quản lý và các cơ sở GD và ĐT giải quyết các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc xã hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục để đạt yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục mới, đầu tư thiết bị phục vụ rèn luyện thể lực và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng: khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc, lấy người học làm trung tâm trong hoạt động dạy-học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học của người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; tập trung dạy phương pháp học, phương pháp tư duy và tự học, phù hợp với từng cấp học; Áp dụng mô hình trường học mới VNEN và phương pháp “Bàn tay nặn bột” cho các trường tiểu học, THCS, THPT. Ngành GD-ĐT cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học......đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GD-ĐT thực hiện việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tại đơn vị mình.
 
 Ông Nguyễn Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thành Duy, TP. Bà Rịa nhận xét: “Năm học 2014-2015 này, chỉ đạo của ngành để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD theo tôi thấy rất cụ thể và sâu. Bước đầu chúng tôi đã ghi nhận những kết quả của việc thực hiện các chỉ đạo cụ thể thông qua 3 giải pháp chính của ngành thì trường chúng tôi cũng thấy bước đầu có kết quả đáng mừng, khả quan. Về phía HS đã thay đổi được nhận thức về việc học tập cũng như là GV thay đổi về nhận thức và kỹ năng dạy học của mình”
 
 
 Cô Nguyễn Thị Phương- Hiệu trưởng trường THCS Vũng Tàu cho biết: "Nhà trường đã thực hiện tốt các chỉ đạo của cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương các cấp. Trong năm học ngay từ tháng 4, tháng 3 của năm 2014 đã phối hợp với UBND phường 1, 2 trong việc điều tra HS để huy động 100% HS vào lớp 6, đặc biệt việc duy trì sĩ số được thực hiện tốt giữa nhà trường và chính quyền địa phương. Năm học vừa qua nhà trường đã được UBND TP sửa sang lại trường khang trang, sạch đẹp.....Về phía nhà trường, đòi hỏi mỗi giáo viên, nhân viên có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai sau này, và chính cán bộ quản lý là người phải đổi mới đầu tiên. Bản thân tôi là hiệu trưởng nhà trường phải không ngừng tiếp cận các văn bản hướng dẫn và có kế hoạch lịch trình cụ thể cho GV trong nhà trường, từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy, rồi tăng cường các hoạt động ngoài giờ để GD kỹ năng sống; đổi mới tổ sinh hoạt chuyên môn cho các tổ bộ môn”
 
Với những giải pháp rõ ràng cụ thể, cùng sự chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ sở GD-ĐT trong tỉnh, hi vọng rằng trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ gặt hái được kết quả như mong đợi và thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.