Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Giao thừa tại Việt Nam – sức sống trường tồn
11:03 | 17/02/2015 Print   E-mail    

 
Năm nào cũng vậy, lễ đón Giao thừa tại Việt Nam luôn diễn ra sôi động, hấp dẫn, trang trọng và linh thiêng. Bởi lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới - một̀ thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện, vạn vật bừng lên sức sống mới. Để ghi nhận thời khắc này, người Việt Nam có nhiều hoạt động phong phú và có ý nghĩa. Tất cả các chương trình vui chơi trong ngày tết của các địa phương và trung ương đều có chương trình đón giao thừa, được dàn dựng chuẩn bị công phu và đầy tính nghệ thuật. Trong chương trình đón giao thừa của đài Truyền hình Việt Nam có tổ chức truyền hình trực tiếpmàn bắn pháo hoa hoành tráng kéo dài 15 phút của các địa phương trên toàn quốc,nhất là ở các thành phố lớnnhư thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các trai thanh nữ tú, những cặp vợ chồng trẻ, những đôi tình nhân thường rủ nhau ra xem trực tiếp bắn pháo hoa ở nơi công cộng. Còn lớp người cao tuổi thì ở nhà chuẩn bị mâm cỗ để cúng giao thừa, các gia đình thường làm hai mâm cỗ một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang, không nơi nương tựa.
                                          Xem bắn pháo hoa trong đêm giao thừa (ảnh minh họa)
 
 Càng gần đến thời khắc giao thừa, mọi người càng hồi hộp lắng nghe trên đài truyền hình đếm ngược từng giây để tới 0 giờ 00 của ngày đầu tiên năm mới. Đúng thời khắc thiêng liêng đó, đồng loạt các địa phương đều trình diễn màn pháo hoa đẹp mắt để đón chào năm mới, trong từng gia đình cũng bắt đầu thắp hương cúng giao thừa. Màn bắn pháo hoa được kết thúc, thì những thẻ hương trên bàn thờ tổ tiên của các gia đình cũng đang bén đỏ, cả nước lại hồi hộp trông chờ nghe lời chúc tết đầu năm của Chủ tịch nước. Trong giây phút thiêng liêng, lắng đọng, mọi người dân Việt Nam, dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc… tất cả đều tập trung về một hướng đó là cội nguồn dân tộc Việt Nam, là truyền thống “Con Lạc Cháu Hồng”. Những lời chúc tết của Chủ tịch nước hôm nay, nhất là những vần thơ chúc tết của Bác Hồ năm xưa luôn thấm sâu vào lòng của mỗi người dân. Nghe lời chúc tết của Người mà như nghe tiếng gọi của non sông, thức tỉnh mọi người dân đất Việt hãy sống biết yêu thương, đoàn kết, gắn bó vì sự trường tồn của dân tộc, vì sự phát triển của đất nước.
 
Giây phút cảm động, thiêng liêng qua đi, mọi người lại hào hứng với chương trình ca nhạc mừng năm mới, và phấn khởi tay bắt, mặt mừng gửi cho nhau những lời chúc Tết tốt đẹp nhất. Trong từng gia đình, người lớn thì trao bao “lì xì” màu đỏ “mừng tuổi” cho các cháu nhỏ, mong các cháu một năm mới mạnh khỏe, chăm ngoan, học hành có nhiều tiến bộ. Những người còn trẻ, bậc cháu con thì cung kính gửi lời chúc đầu năm mạnh khỏe, sống lâu tới bậc ông bà, cha mẹ. Trong thời khắc giao thừa hầu như mọi người đều cảm thấy gắn bó, gần gũi nhau hơn, thương yêu và quý trọng nhau hơn. Trong cộng đồng dân cư, các gia đình tổ chức đi chúc tết đầu năm, theo truyền thống gọi là đi “Xông đất” hay “Xông nhà”. Thường người ta cầu mong cho những người có uy tín, nhanh nhẹn, giỏi giang trong cuộc sống hàng ngày, theo như quan niệm dân gian là “Nhẹ vía” là người đầu tiên bước vào nhà, thì năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát triển thuận lợi, sức khỏe dồi dào. Cũng ngay sau phút giao thừa các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ các địa phương cũng đại diện cho dân tới thăm gia đình các vị cao niên, lão thành cách mạng, gia đình chính sách, người có công v.v.. biểu thị tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”, tình tương thân, tương ái, đoàn kết dân tộc của người Việt Nam.
 
Cứ thế mà năm nào cũng vậy, lễ cúng Giao thừa được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Dẫu cho trong thời chiến hay thời bình, do điều kiện kinh tế khác nhau mà mức độ, qui mô tổ chức khác nhau, nhưng ý nghĩa thiêng liêng của lễ đón Giao thừa vẫn không thay đổi. Sức sống trường tồn của lễ đón Giao thừa ở người Việt Nam thật vô cùng mãnh liệt.
 
Bài: Trọng Chu

BBT.