Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Mùa xuân – Mùa của lễ hội
06:27 | 01/03/2015 Print   E-mail    

 
Đối với người Việt Nam, mùa xuân luôn là mùa của lễ hội. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về đem theo một bầu không khí mới: thời tiết mát mẻ, dễ chịu, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, nở hoa, con người lại cảm thấy phấn khởi rạo rực, nhịp sống như được tăng lên gấp bội. Bởi vì mùa xuân là dịp tổng kết một năm cũ, bắt đầu một năm mới với bao điều may mắn, kỳ diệu.
 
Mùa xuân, dường như các lễ hội được diễn ra nhiều nhất trên khắp các vùng miền của cả nước. Lễ hội chùa Hương, lễ hội bà Chúa Kho, lễ khai ấn đền Trần, hội Lim... là những lễ hội mùa xuân truyền thống nổi tiếng của các vùng trên cả nước mà bạn không thể bỏ qua dịp xuân
 
(Lễ hội chùa Hương)
 
Đến với Lễ hội, mọi người mong sao cuộc sống có nhiều thay đổi tốt đẹp. Con người lại tìm về cội nguồn, nhớ đến tổ tiên, nhắc nhở về lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc qua những hình thức của lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian. Vào mùa xuân, mùa của lễ hội với khách thập phương dập dìu nô nức chờ đón…
Người ta thường tổ chức lễ hội vào mùa xuân vì đó là những thời gian rảnh rỗi nhàn hạ, mùa vụ thu hoạch đã xong, người dân có thể tham gia lễ hội vui vẻ, thoải mái không phải lo lắng đến công việc. Lễ hội thường gắn với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nơi các đình, đền, chùa, miếu thờ các vị thần, Phật, các vị anh hùng dân tộc, thần Thành hoàng Bổn cảnh… Đa số lễ hội ở Việt Nam được tập trung nhiều nhất vào mùa xuân, mùa không còn rét mướt hay mưa dầm hoặc nắng hè chói chang…
 
­­­­­
(Hội Lim – Bắc Ninh)
 
Mùa xuân mở đầu cho lễ hội lớn với cái Tết cổ truyền (hay Tết Nguyên đán), ngày mà hầu như tất cả các dân tộc trên khắp mọi miền ở Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi đều náo nức hân hoan chào đón. Mùa xuân là mùa nhiều lễ hội hơn cả. Lễ hội xuất sinh từ xã hội Việt Nam cổ truyền là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, có thờ cúng, có vui chơi giải trí với những phong tục tập quán của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Những hội diễn tuồng tích lịch sử, những trò chơi dân gian, điệu múa, giọng hát, câu hò… hình thành từ trong cuộc sống lao động của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú được quần chúng tiếp nhận và ăn sâu rất tự nhiên vào nếp nghĩ, trong sinh hoạt cộng đồng nhằm tìm thấy sức mạnh để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
lễ hội, mùa xuân, Chùa Hương, Hội Lim, bà Chúa Kho, đền Trần, xin ấn
 
(Lễ hội núi Bà Đen ở Tây Ninh)
 
Đầu xuân và ngày rằm tháng giêng tại các đình, chùa, đền, miếu trong cả nước đều có lễ cúng khánh tiết tân xuân và người dân lũ lượt đến lễ chùa, cúng viếng đình miếu vào những ngày đầu của mùa xuân, cầu mong mọi sự như ý vẹn toàn, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Tại các đình, đền, miếu lễ hội thường được tổ chức vào các ngày rằm hoặc giỗ kỵ; đặc biệt lễ kỳ yên với những nghi thức đâu yết, khánh sắc, lễ tế đàn cả, tế tiên sư, hậu bối với những sinh hoạt văn hóa dân gian như: hát bội, đờn ca tài tử, múa lân, hát bóng rỗi, địa nàng, múa mâm xôi mâm vàng, lễ hạ thuyền, lễ tống ôn, tống phong...Chúng ta có thể thấy rằng, ngày đầu xuân được coi như ngày mở hội của toàn dân, tại những địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nhân dân náo nức đi thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, tham gia vào những hoạt động văn hóa lành mạnh, trò chơi dân gian hoặc tổ chức hội thi mang tính chất văn hóa thiết thực và hiện đại.
 
Mùa xuân, mùa của lễ hội gắn với các thiết chế tín ngưỡng tôn giáo được dân gian thờ phụng, cúng kiếng, tôn vinh. Sản phẩm của xã hội Việt Nam cổ truyền, một hình thức lễ và hội mang nhiều nét truyền thống của sinh hoạt văn hóa dân tộc Việt đang ngày càng được cách tân và cải biến nội dung, hình thức để phù hợp với tâm lý và nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong đời sống hiện đại hôm nay. Nhưng dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì văn hóa lễ hội vào dịp đầu xuân vẫn luôn là nét văn hóa trong lòng người Việt./.
 
Bài:  Lê Ngân
BBT.