Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Bánh chưng – Bánh truyền thống độc đáo của dân tộc Việt.
07:47 | 08/02/2015 Print   E-mail    

 
Cứ tết đến mọi nhà lại nhộn nhịp chuẩn bị lá dong, đậu xanh, gạo nếp, thịt lợn và lạt giang để gói bánh chưng. Việc được gói, nấu và ngồi canh nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng đã trở thành một tập quán, văn hóa được lưu truyền trong các gia đình người Việt mỗi dịp tết đến xuân về. Đêm xuống, mọi người nhất là những đôi nam nữ ngồi bên bếp lửa bập bùng, thức thâu đêm chờ tới lúc hương thơm của bánh chưng ngào ngạt,đám trẻ thì ríu rít tranh nhau xí phần mấy cái bánh chưng nhỏ lót nồi còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn… Tất cả làm cho không khí ngày Tết của người Việt luôn rộn ràng, hào hứng dù đời sống có biến đổi thế nào đi chăng nữa.Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt,có lịch sử lâu đời,
                 
Gói và nấu bánh chưng trong dịp tết (ảnh minh họa)
 
Mỗi dân tộc đều có thức ăn truyền thống của mình,song chưa thấy dân tộc nào có một thức ăn vừa độc đáo, ngon lành, vừa bổ, lại gắn liền với truyền thuyết dân tộc  và có nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dày củaViệtNam.Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất (Âm), Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời (Dương), thể hiện triết lý Âm – Dương của người xưa.
 
Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm,. Thịt lợn hay heo được coi là loại thịt ngon và lành nhất, Đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Bởi vậy trong bánh chưng hội tụ rất nhiều chất bổ, là đặc trưng độc đáo của các món ăn Việt Nam.Độc đáo hơn nữa, khi nấu trong một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa râm râm, khiến các chất như thịt, gạo, đậu được chín nhừ, có đủ thời gian để hòa quyện, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, hấp dẫn, cũng mang một triết lý sống chan hòa, đoàn kết của dân tộc ta.Vì được gói bằng lá dong nên bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn gói bằng lá chuối. Phải gói thật chặt tay và kín, không cho nước trực tiếp ngấm vào trong, bánh mới ngon. Có lẽ vì chế biến bằng cách nấu lâu (chưng), nên người xưa mới gọi là bánh chưng. Vì nấu lâu như thế, các vật liệu đều nhừ nên bánh có thể để được lâu, có gia đình đến cuối tháng giêng vẫn còn bánh. Khi ăn bánh chưng, người ta thường chấm với các lọai mật hay với nước mắm thật ngon, giàu chất đạm; cũng có thể ăn thêm với củ hành muối, củ cải dầm hay dưa món, đây cũng là một đặc trưng về ẩm thực vào dịp tết của người Việt Nam chúng ta. Mỗi lúc phải sống xa gia đình hay xa tổ quốc ai cũng bồi hồi nhớ tới nồi bánh chưng.
 

Bánh chưng quả thật là một món ăn độc đáo có một không hai của dân tộc ta,có bánh chưng trong mâm cỗ ngày tết để cúng Tổ tiênthể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng minh văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều tiềm năng. Các thế hệ người Việt Nam, dẫu ở trong nước hay định cư ở nước ngoài đều nhớ tới không khí ấm cúng, thiêng liêng của những đêm quây quần ngồi chờ nấu bánh chưng vào dịp tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.
 
Bài: Trọng Chu
BBT.