Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Bộ giáo dục vừa ban hành quy định không chấm điểm học sinh tiểu học.
08:18 | 11/09/2014 Print   E-mail    

 

 

Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học là bỏ chấm điểm mà thay vào đó là khuyến khích đánh giá sự rèn luyện cũng như phát huy khả năng của các em trong lớp, trong trường với đời sống xung quanh.
 
Năm học 2013-2014, các trường Tiểu học trên cả nước nói chung và ở thành phố Vũng Tàu nói riêng đã thực hiện không chấm điểm ở học sinh lớp 1. Sau 1 năm thực hiện, nhiều địa phương ủng hộ cách thực hiện trên vì cho rằng đã giảm áp lực học thêm, dạy thêm cho trẻ học trước chương trình lớp 1, giảm áp lực điểm số với học sinh và phụ huynh. Theo Bộ GD-ĐT, việc đánh giá đại trà học sinh lớp 1 theo kiểu mới nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện. Từ đó, giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ, giúp phụ huynh học sinh tham gia tích cực hơn vào hoạt động giáo dục học sinh.
 
http://images.ndh.vn/Images/Uploaded/Store/52/64/01/5264019.jpg
(Hình minh họa)
 
Mấy ngày trước, trả lời phóng viên một số báo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Thông tư số 30 mới ban hành của Bộ GD-ĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 15.10.2014 thay thế cho Thông tư 32 trước kia. Quy định không chấm điểm học sinh đã được thí điểm ở khối 1 năm học 2013-2014 sẽ được áp dụng cho toàn bậc tiểu học trong năm học 2014-2015.
 
Chủ trương quy định này của Bộ giáo dục và đào tạo là giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học mà thay vào đó đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện, giúp học sinh phát huy hết khả năng của mình, đảm bảo tính khách quan của các thầy cô giáo chủ nhiệm. Cụ thể, đánh giá toàn diện học sinh bằng cách không chấm điểm mà chỉ đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện phẩm chất của học sinh đó đối với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. Tuyệt đối không được tạo áp lực cho học sinh và cả giáo viên, phụ huynh về điểm số của con em mình. Theo đó, giáo viên sẽ quan sát các biểu hiện trong hoạt động của học sinh hàng ngày, hàng tuần để nhận xét, nhận định sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh của mình khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng để tiến bộ trong môi trường học tập. Nhiệm vụ của các giáo viên là tổng hợp các ý kiến của mình, trao đổi với phụ huynh để định hình và xác định tính cách của học sinh đó.
 
http://xmedia.nguoiduatin.vn/2014/08/09/image-thumb-ndt1407554283.jpg
(Hình minh họa)
 
Có thể thấy rằng ưu điểm của thông tư này ở chỗ là lâu nay bố mẹ học sinh luôn ỷ vào giáo viên, giao phó toàn bộ con em mình cho giáo viên chủ nhiệm. Các giáo viên sẽ rất áp lực trước những câu hỏi của phụ huynh và học sinh thì lại bị áp lực từ những điểm số thông thường. Vì vậy, thông tư này ra đời là khuyến khích cả phụ huynh, giáo viên cùng tham gia công tác đánh giá sát sao nhất phẩm chất và năng lực học tập của con em mình trong suốt quá trình học tập. Ngay cả học sinh cũng có thể tự đánh giá năng lực của mình qua sở thích từng môn học, từng hoạt động giáo dục, thảo luận trong lớp với bạn bè để nhận biết được môn học nào mình có năng khiếu từ đó sẽ cố gắng phát huy. Môn học nào mình còn yếu thì sẽ kết hợp với bạn bè để học hỏi.
 
http://www.tamly.com.vn/images/News/11/2011/6/5BZEZF9CED/GVHS.jpg
(Hình minh họa)
 
Theo quy định đó của Bộ Giáo dục và đào tạo, vào đầu năm và cuối năm học hiệu trưởng các trường tiểu học phải chỉ đạo tổ chức cam kết bàn giao chất lượng giáo dục với từng giáo viên các cấp và tổ chức kiểm tra năng lực để nhận lớp vào năm quan trọng tiếp theo. Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 5 cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục, hồ sơ đánh giá của từng học sinh với hiệu trưởng. Trưởng phòng GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục, sổ tổng hợp đánh giá và các bài kiểm tra định kì cuối năm lớp 5 của học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương.
 
Tại thông tư số 30 này của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã nêu rõ, hiệu trưởng chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện đánh giá học sinh, chất lượng giáo dục của học sinh và báo cáo kết quả thực hiện về phòng GD-ĐT. Đặc biệt không được nêu những điểm chưa tốt, những điều mà học sinh chưa hoàn thành trước tập thể lớp và trong cuộc họp phụ huynh. Chỉ có thể trao đổi riêng với phụ huynh vào cuối giờ học của học sinh hoặc trao đổi trong sổ liên lạc. Chúng ta hy vọng, quy định mới này sẽ phần nào nâng cao được chất lượng giáo dục cũng như hướng đến những niềm vui, không bị áp lực trong học tập đối với các em học sinh tiểu học./.
                                                                                                  
Bài:  Lê Ngân
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu