Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Thành phố Vũng Tàu ban hành kế hoạch Phòng chống dịch bệnh Tay - Chân - Miệng năm 2020
08:43 | 11/12/2019 Print   E-mail    

Bệnh Tay - Chân - Miệng (Hand foot and mouth disease - HFMD) là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bệnh do nhóm vi rút đường ruột (Enterovirus) có nhiều týp gây nên; Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Hiện nay bệnh Tay - Chân - Miệng chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Mặc dù năm 2019 trên địa bàn thành phố Vũng Tàu không có dịch Tay - Chân - Miệng lớn xảy ra, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các nhóm trẻ, nhà trẻ, mẫu giáo và trẻ em ở cộng đồng khu dân cư.Trước tình hình trên, để chủ động, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch Tay - Chân - Miệng đạt hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân; UBND thành phố Vũng Tàu xây dựng Kế hoạch số7182/KH-UBND ngày 09/12/2019 về phòng, chống dịch Tay - Chân - Miệng triển khai đến các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện.

Theo đó mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh Tay- Chân- Miệng (TCM); Khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; giảm 5% số ca mắc tay chân miệng/100.000 dân so với  trung bình 5 năm giai đoạn 2014- 2018 và 100% ổ dịch phát hiện được xử lý đúng quy định.

Các nội dung hoạt động như công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh TCM là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cho phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo về kiến thức và biện pháp phòng, chống bệnh Tay - Chân - Miệng, nguy cơ của bệnh có khả năng lây lan rộng và có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin: Tờ rơi, tranh, áp phích, băng rôn, tuyên truyền trên loa phát thanh, xe loa lưu động tại các khu dân cư, trường học, đặc biệt, trong các trường mầm non, nhà trẻ và các cơ sở trông, giữ trẻ tại cộng đồng; lồng ghép tuyên truyền về kiến thức phòng, chống bệnh TCM tại các cuộc họp tổ dân phố trên toàn Thành phố; Tổ chức giám sát, phát hiện ca bệnh, xử lý dịch tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc Tay- Chân- Miệng tại các cơ sở y tế trên địa bàn; chủ động khoanh vùng ổ dịch (nếu có), tổ chức xử lý dịch và điều trị bệnh nhân theo đúng quy trình của Bộ Y tế;

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Tay- Chân- Miệng UBND Thành phố giao cho Trung tâm Y tế Thành phố phối hợp với Phòng Y tế, phòng Tài chính- Kế hoạch có trách nhiệm rà soát, bổ sung đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, hoá chất, vật tư, trang thiết bị huy động nhân lực và kinh phí, đề xuất UBND thành phố phê duyệt để triển khai phòng chống dịch Tay- Chân- Miệng đạt hiệu quả.

Đối với công tác thanh kiểm tra thì thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố (gồm: Y tế, Giáo dục & Đào tạo, Văn hóa - Thông tin và các đơn vị, ban ngành liên quan) để tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch Tay - Chân - Miệng tại các đơn vị, địa phương, các điểm nóng, các trường học, các điểm giữ trẻ, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn Thành phố.

UBND thành phố Vũng Tàu yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các phường, xã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch; Giao Trung tâm Y tế Thành phố có trách nhiệm theo dõi, giám sát, tổng hợp, báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện tại các đơn vị, địa phương về UBND thành phố Vũng Tàu và Sở Y tế./.

Tin: Kim Nguyễn, BBT

Các bài mới hơn
Các bài cũ hơn
Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu