Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu quan tâm tuyên truyền về “Nói không với bạo lực học đường” năm học 2019-2020.
07:47 | 24/10/2019 Print   E-mail    

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xảy một số vụ bạo lực học đường đã ảnh hưởng đến nhân phẩm, sức khỏe của nạn nhân cũng như của dư luận xã hội… Sau sự việc giáo viên dùng thước kẻ đánh 22 học sinh xảy ra tại trường THCS Long Toàn, thành phố Bà Rịa hồi tháng 3 năm 2019 gây bức xúc trong dư luận, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo tất cả các trường trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống bạo lực học đường, nâng cao đạo đức nhà giáo. Thực hiện chỉ đạo của Sở giáo dục và đào tạo, năm học 2019-2020 này, ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu đã đề nghị các trường học trên địa bàn thành phố quan tâm tuyên truyền về “Nói không với bạo lực học đường”.

Trung tá Nguyễn Thị Tuyết – Công an thành phố Vũng Tàu nói chuyện chuyên đề “Nói không với bạo lực học đường” tại Trường THCS Vũng Tàu sáng 14/10/2019 

Có thể thấy rằng, bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần là việc tấn công bằng lời nói. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giảng dạy trong các nhà trường tại thành phố Vũng Tàu thì: Bạo lực học đường thời nào cũng có, nhưng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và biểu hiện phức tạp hơn, do đó gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giáo dục đạo đức cho các em, không để xảy ra những vụ việc phức tạp, đau lòng.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất thì trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Những số liệu đó thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Trước nỗi lo lắng, quan tâm của nhiều gia đình, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội về bạo lực học đường, năm học 2019-2020, ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu tiếp tục triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực giai đoạn 2015 - 2020; Tiếp tục thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018-2025; các quyết định, thông tư, chỉ thị, kế hoạch… của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND thành phố Vũng Tàu về phòng, chống bạo lực học đường.

Theo thống kê của ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu, trong những năm học vừa qua, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, số vụ bạo lực học đường xảy ra không đáng kể, không có số vụ việc nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguy cơ về bạo lực học đường thì không thể tránh khói nếu không có những biện pháp phòng tránh và tuyên truyền về vấn đề này trong các trường học. Ở một số trường trên địa bàn thành phố vẫn có những gia đình chiều con, mua cả máy tính, điện thoại thông minh cho con, nhưng thiếu sự kiểm soát. Trong khi đó, ở ngoài xã hội nhiều thứ cám dỗ lứa tuổi học sinh, như chơi game, vào mạng facebook, xem phim …rất dễ dẫn đến tình trạng tụ tập, chơi bời, bỏ học ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của một bộ phận học sinh.

Theo Lãnh đạo Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu thì: Công tác phòng chống bạo lực học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, môi trường gia đình ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của trẻ, với nhiều thói quen, ứng xử đã thấm vào các em. Cộng đồng nhà trường cần giúp phụ huynh học sinh có được một phần năng lực giáo dục và có ý thức phối hợp với nhà trường và xã hội cùng giáo dục các em. Môi trường nhà trường phải bảo đảm an toàn, lành mạnh, thân thiện, các cán bộ, giáo viên phải là một tấm gương cho học sinh. Đặc biệt, vai trò của thầy, cô chủ nhiệm phải là điểm tựa của các em, phải là người tin cậy để các em tâm sự, chia sẻ những vấn đề khó khăn trong cuộc sống và học tập. Các thầy, cô chủ nhiệm là cầu nối giữa học sinh và gia đình; giữa học sinh và đội ngũ thầy cô và cán bộ trong trường; là người gần gũi nhất, phân tích giúp các em và cùng các em đẩy lùi tệ nạn xã hội ra xa trường học.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác phòng chống bạo lực học đường, các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Vũng Tàu cần tiến hành đồng bộ các biện pháp giáo dục toàn diện để ngăn chặn, không để phát sinh băng, nhóm tội phạm trong trường học; ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường; tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa tại đơn vị mình; đẩy mạnh chất lượng, ý nghĩa giáo dục của các phong trào thi đua, hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể; xây dựng kế hoạch hành động nhằm tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, sinh hoạt chuyên đề để nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực học đường”; phát huy vai trò chủ động, tích cực của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức, hội - đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát và giáo dục học sinh để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường; nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục học sinh có lối sống lành mạnh, giáo dục đạo đức, nhân cách, biết tôn trọng nhân phẩm và danh dự của người khác./.

Bài, ảnh; Lê Ngân, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu