Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tết cổ truyền: Nét đẹp văn hóa vẫn chảy mãi theo thời gian.
07:58 | 27/01/2019 Print   E-mail    

 Tết cổ truyền: Nét đẹp văn hóa vẫn chảy mãi theo thời gian.

 
     Cùng với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và hội nhập của đất nước thì Tết cổ truyền của người dân Việt Nam vẫn là nét văn hóa truyền thống được trân trọng và lưu giữ mãi theo thời gian. Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày Tết cổ truyền có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong gia đình và cả cộng đồng mà ta có thể gọi chung là một giá trị truyền thống của Văn hoá gia đình Việt Nam. Tết đến Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết cổ truyền của dân tộc còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.
 
 
(Hình minh họa)
  
     Người Việt cho rằng, Tết cổ truyền của dân tộc là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết cổ truyền. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tổ tiên sẽ chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng.
 
    Tết cổ truyền của người Việt Nam không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người trong quan niệm của người phương Đông. Mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Chỉ có những ai phải đi xa mới nhớ, mới biết trân trọng từng giây phút được trở về bên người thân yêu ruột thịt trong mấy ngày Tết. Đặc biệt, với những cô gái lấy chồng xa quê, ít có điều kiện về thăm nhà, đây là cơ hội lý tưởng để sum vầy, hàn huyên với bố mẹ đẻ và thăm hỏi họ hàng, anh em, bạn bè sau cả môt thời gian dài không gặp…
 
     Mỗi khi Tết cổ truyền của dân tộc sắp về, dọn dẹp nhà cửa trước Tết là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Việc làm này có ý nghĩa xếp lại năm cũ, xóa bỏ những cái cũ để đón một năm mới nhiều tài lộc vào nhà. Trong ngày này, nhà cửa sẽ được trang hoàng lại, tất cả đồ đạc trong nhà sẽ được đem ra chùi rửa thật sạch sẽ, chén bát mới sẽ được chuẩn bị sẵn cho mâm cỗ ngày Tết, các vật dụng trưng bày cũng được đem ra bày biện trang hoàng để nhà cửa có thêm một diện mạo mới mẻ hơn.
 
     Trong hương vị của Tết cổ truyền không thể thiếu bánh chưng, bánh Tét. Bánh chưng, bánh Tét là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp. Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh dầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh Tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta. Cứ vào dịp tết, tầm 28 – 29 Tết, các gia đình Việt Nam thường tụ tập gói bánh chưng, bánh Tét để làm vật phẩm cúng gia tiên, làm quà biếu Tết hoặc để thưởng thức trong gia đình. Việc gói bánh là một nét đẹp, một thú vui và qua đó thể hiện được sự khéo léo của mỗi người. Phải là người có bàn tay vô cùng khéo léo mới có thể gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng.
 
     Theo dòng chảy của thời gian, Tết cổ truyền của dân tộc về, người Việt thường nhắc nhiều đến “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Đó không phải là một sự bảo thủ, đó là cả một nền văn minh, một gam màu cần thiết cho tiết trời ấm áp mỗi độ xuân về. Cuộc sống mỗi người dân trên khắp đất nước Việt Nam đã ngày càng khấm khá, họ hài lòng với những gì đang thay đổi. Họ vẫn giữ những niềm tin, sự thành kính cao quý nhất đến Bác Hồ, đến Đảng, Nhà nước. Những tiếng cười nói hân hoan, những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc vào những ngày cuối năm – nước mắt của sự sum vầy, đoàn tụ đã chứng tỏ điều đó.
 
     Trải qua bao đổi thay của thời đại, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Chính vì thế, để Tết của truyền vẫn chảy mãi theo thời gian, để giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai, bởi vậy, mỗi người dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài cần bảo tồn và phát huy những nét truyền thống văn hóa của Tết Việt. Đồng thời cũng cần phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai của mỗi con người.
 
     Tết cổ truyền - Nét đẹp văn hóa vẫn chảy mãi theo thời gian. Nó nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, thời gian chẳng đợi ai bao giờ, mỗi năm Tết đến là mỗi năm sẽ mất đi và chúng ta sẽ già thêm. Những nét văn hóa của ngày Tết cổ truyền như những lời nhắc nhở thầm lặng nhưng tha thiết. Chúng ta hãy luôn trân trọng và giữ gìn, để nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc mãi lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam./.
                                                                                  
Bài: Lê Ngân, BBT
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu