Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Di tích nhà Má Tám Nhung mở cửa đón khách
07:42 | 11/12/2018 Print   E-mail    

Di tích nhà Má Tám Nhung mở cửa đón khách
 
     UBND TP.Vũng Tàu vừa có thông báo mở cửa di tích Nhà má Tám Nhung đón khách tham quan nhằm phát huy giá trị di tích trên trong thu hút khách du lịch, giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh của thế hệ cha anh đến với mọi người dân,du khách nhất là thế hệ trẻ.
 
     Má Tám Nhung tên thật là Hồ Thị Khuyên, sinh năm 1905, tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ngôi nhà má Tám Nhung tọa lạc tại số 42/11 đường Trần Phú (nay là số 1 đường Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) nằm dưới chân Núi Lớn, cách ngã tư Bến Đình khoảng 100m về phía Tây. Năm 1945, má Tám Nhung đã bí mật liên lạc với nhóm Việt Minh và binh vận ở Vũng Tàu. Tại đây vào đêm 25-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa Vũng Tàu đã được thành lập và quyết định xây đội Cảm tử quân cách mạng, phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền trong Cách Mạng Tháng Tám 1945 tại Vũng Tàu. Trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), gia đình má Tám Nhung tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Gia đình má cùng nhân dân thị xã Vũng Tàu đùm bọc nuôi giấu cán bộ cách mạng. “Trong Hầm bí mật được xây dựng vào tháng 06 năm 1967 dưới hình thức là bể chứa nước: chiều dài: 2,0m; chiều rộng: 1,8m, đặc biệt Bể chứa nước được chia hai phần điều nhau, nửa làm hầm không có nước, hầm được mở một cửa. Nắp hầm là hình thức bức vách rộng 40cm, dài 80cm, trên nắp hầm được ngụy trang bằng dụng cụ của gia đình để lên trên” do vây, địch khó phát hiện cán bộ cách mạng nằm trong hầm”. Má Tám Nhung còn vận động các em là Hồ Văn Tạc, Hồ Thị Mừng, Hồ Thị Nói, ông Ba Xuân… tham gia hoạt động cách mạng. Trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, phường Thắng Nhì tập trung nhiều trường huấn luyện và căn cứ quân sự của địch. Trong các ấp luôn có cảnh sát, tình báo, mật vụ, an ninh, tề ấp… kiểm soát chặt chẽ tình hình. Mặc dù kẻ thù bao vây xung quanh nhưng ngay giữa sào huyệt của kẻ thù vẫn tồn tại một căn hầm bí mật của gia đình má Tám Nhung nuôi giấu che chở an toàn cho hàng trăm cán bộ cách mạng hoạt động. Hai người con của má Tám Nhung đều tham gia cách mạng và hy sinh. Má Tám Nhung được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Căn nhà của má Tám Nhung được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT-DL) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia vào ngày 14-12-1989. Di tích gồm một căn nhà, một hầm bí mật, các hiện vật và một tượng đài kỷ niệm có khắc họa hình má Tám Nhung (xây dựng sau này).
 
     Theo thời gian, di tích nhà má Tám Nhung bị xuống cấp, bị bao vây bởi nhiều hàng quán và nhà trọ. Khuôn viên di tích bị chiếm dụng làm nơi vá lưới, thỉnh thoảng còn được cho thuê làm nơi tổ chức hội chợ, gây ồn ào, mất trật tự. Tháng 9-2013, UBND TP. Vũng Tàu đã khởi công dự án tôn tạo di tích nhà má Tám Nhung và Trung tâm Văn hóa –Thể thao- Học tập cộng đồng (VHTT - HTCĐ) phường Thắng Nhì chung trong một khu đất (số 01, Trần Xuân Độ, TP.Vũng Tàu) nhằm làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
 
     Công trình có tổng mức đầu tư hơn 32,3 tỷ đồng. Trong đó, nhà má Tám Nhung được xây mới theo nguyên trạng nhà cũ. Phía trước ngôi nhà là bức phù điêu chân dung má Tám Nhung gương mặt nhân hậu, ánh mắt cương nghị. Ngôi nhà được khôi phục và phục dựng, theo nguyên gốc trên vị trí ban đầu theo kiến trúc dân gian khoảng đầu thế kỷ XX, gồm 3 gian nhà chính và 2 gian nhà phụ. Cột, vì kèo, vách thưng bằng gỗ, mái lôp ngói âm dương, nền lát gạch đỏ, chân cột kê đá tảng, căn hầm bí mật, phía sau là lu đựng nước, giếng nước, cây khế, cây mận, bụi chuối.
 
     Bên trong ngôi nhà còn các hiện vật gắn bó với sinh hoạt thường nhật của gia đình má Tám Nhung như: đèn tọa đăng là tín hiệu cho các đồng chí cách mạng của ta nhận biết khi đèn sáng báo động, đèn tắt báo yên, bàn trà, bàn ăn cơm, giường, tủ, bộ ván ngựa, vại đựng nước, hũ gạo nuôi quân, bộ quang gánh, thúng, mẹt đựng trái cây, bếp nấu độ ăn cho gia đình và cán bộ cách mạng, 2 chiếc đèn dầu, ấm nhôm, nồi gang, mâm nhôm, cối đá, bình và chén uống trà, đĩa đựng trái cây…  
 
     Di tích lịch sử cách mạng nhà má Tám Nhung tiêu biểu, điển hình cho người mẹ Việt Nam chân thật, giản dị, bao dung, nhân hậu và vô cùng bất khuất, trung kiên có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
     Ngôi nhà má Tám Nhung tọa lạc tại số 42/11 đường Trần Phú (nay là số 1, đường Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu).
 
     Giờ mở cửa tham quan dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị: từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30). Liên hệ UBND phường Thắng Nhì (0908110919, gặp anh Hưng) để được đón tiếp. Đơn vị có nhu cầu nghe thuyết minh về di tích, liên hệ Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch (Nhà A3, đường Thùy Vân, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu - ĐT: 02543611988).
 
                                                                                   Bài: Khanh Vũ, BBT

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu