Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Luôn quan tâm, chăm sóc đến những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam
09:34 | 06/08/2017 Print   E-mail    

Kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2017). 

Luôn quan tâm, chăm sóc đến những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam

----------------- 

Đất nước đã hòa bình, chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng nỗi đau vẫn còn đó khi hàng triệu gia đình Việt Nam đang lặng thầm phải gánh chịu những người thân bị nhiễm chất độc màu da cam do tàn dư của chiến tranh để lại. 56 năm đã trôi qua (10/08/1961-10/08/2017), nhưng cứ đến ngày 10 tháng 8 hằng năm nhân dân cả nước lại quặn lòng cùng với nỗi đau của những gia đình, người bị nhiễm chất độc da cam. Bằng những hành động cụ thể trong những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm sóc đến những nạn nhân nhiễm chất độc da cam như: động viên, thăm hỏi, tặng quà đến những gia đình có người nhiễm chất độc da cam; tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân đồng cảm, chung tay, góp sức giúp đỡ những người nhiễm chất độc da cam; xây dựng chế độ chính sách được hưởng hàng tháng cho người nhiễm chất độc da cam; biểu dương những gia đình, người nhiễm chất độc da cam vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng. 

Thành phố Vũng Tàu họp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày Da cam Việt Nam năm 2016 

Theo thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thì từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun giải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam, chưá 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3.06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất . Hiện nay, trên cả nước có khoảng 151.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh do các di chứng của chất độc da cam như liệt, chậm phát triển trí tuệ, mù, câm, điếc… Gia đình và bản thân các em đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, thể xác lẫn tâm hồn.

Đi cùng với nỗi đau của cả nước, theo báo cáo của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin & Bảo trợ xã hội Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thì tính đến đầu năm 2017, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 3.500 người là nạn nhân chất độc màu da cam, trong đó 1.500 người bị ảnh hưởng trực tiếp và gần 2000 người bị ảnh hưởng gián tiếp, nhưng trong số này chỉ có hơn 600 người được nhận trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Hàng năm, các cấp Hội nạn nhân chất độc màu da cam, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã quan tâm giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp… cho các nạn nhân chất độc màu da cam nhưng nhìn chung, cũng giống như đa số nạn nhân trong cả nước, đời sống của các nạn nhân chất độc màu da cam trên địa bàn Tỉnh vẫn còn rất khó khăn. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có trên 200 nạn nhân chất độc màu da cam đang phải chống chọi và sống chung với nỗi đau da cam.

Theo ông Trần Hữu Cơ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Vũng Tàu thì: Thời gian qua, ngoài việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công thì thành phố Vũng Tàu cũng đã triển khai nhiều phong trào và nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như phong trào: ''Đền ơn đáp nghĩa", “Uống nước nhớ nguồn”, "Vì nạn nhân chất độc da cam",  “Lá lành đùm lá rách”... Đặc biệt, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Vũng Tàu thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền và quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân. Số tiền này đã được trích để hỗ trợ vốn sản xuất cho các hộ gia đình bị nhiễm chất độc màu da cam còn khó khăn trong cuộc sống; tặng học bổng cho các cháu đang theo học tại các trường; tặng quà cho các gia đình vào dịp lễ, tết…Ngoài ra, thông qua tổ chức Hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: dạy nghề, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động.

Kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/08/1961-10/08/2017) là dịp để các cấp, các ngành trong cả nước tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam. Hôm nay, mỗi chúng ta hãy cùng nhau chung tay bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp và phát triển. Cùng với đó, chung tay giúp đỡ gia đình và các nạn nhân là di chứng của loại chất độc nguy hiểm này bằng cả vật chất và tinh thần, bằng cả hành động và lời nói để giúp họ vươn lên trong cuộc sống và làm vơi đi nỗi đau, mất mát mà họ phải trải qua, đó là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, của cả cộng đồng và cả nhân loại./.                                                                                      

Bài: Lê Ngân, BBT

 

         

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu