Liên Kết Website Liên Kết Website
Làng nghề Làng nghề
Ngư dân và cá Ông
09:56 | 14/05/2014 Print   E-mail    

 
Mỗi năm, Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hàng trăm lễ hội dân gian trong đó có nhiều lễ hội miền biển với những nét văn hóa đặc sắc. Ngư dân gọi đó là Tết biển… Với ngư dân, cá voi được gọi thành kính là “Ông Nam Hải” bởi “ông” luôn nâng đỡ, bảo vệ cho ngư dân trước sóng gió đại dương.Sự phù hộ của Ông còn giúp ngư dân được mùa đánh bắt, tôm cá đầy khoang, ra khơi vào lộng an toàn.
 
Tục thờ cá Ông là một tín ngưỡng lâu đời của các ngư dân ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Họ tin rằng, cá Ông chính là thần Nam Hải sẽ giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm và an toàn trong mỗi chuyến ra khơi. Vì thế từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cá Ông đã trở thành một nét đẹp truyền thống của những ngư dân Việt Nam nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng. Ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban quản lý di tích Đình thần Thắng Tam (TP. Vũng Tau) cho biết, theo thông lệ, hễ ngư dân gặp xác “Ông” là báo tin ngay cho ban tế tự của Đình thần Thắng Tam. Những người có trách nhiệm sẽ tiến hành an táng cá voi như con người, ba năm sau sẽ cải táng, lấy rượu rửa hài cốt để mang vào đình thờ. Ông Khôi cho biết thêm, bộ xương cá Ông đầu tiên trôi dạt vào bãi biển Tầm Dương (nay là Bãi Trước – TP. Vũng Tàu), được ngư dân phát hiện đem về thờ tại Đình thần Thắng Tam cách nay hơn 100 năm. Bộ xương cá ông thứ hai dài 12m, được phát hiện sau bộ xương đầu 40 năm.
 
Để tôn thờ cá voi, làng chài Phước Hải ở Đất Đỏ còn lập hẳn một nghĩa địa cá Ông. Nghĩa địa cá Ông ở làng chài Phước Hải hiện có khoảng 40 ngôi mộ, trên mỗi ngôi mộ đều có bát nhang và mộ chí  ghi ngày tháng Ông lụy. Trong khuôn viên nghĩa địa cá Ông, ngư dân Phước Hải còn xây lăng, nhà khách và đặt rất nhiều ghế đá dưới các gốc dương để chiều chiều người dân ven biển ra ngồi hóng mát.
 

 
Hàng năm, khắp các làng xã ven biển trong tỉnh đều tổ chức lễ hội trong đó có những lễ hội lớn như: Lễ hội Nghinh Ông Đình thần Thắng Tam (diễn ra từ ngày 16 đến 18-8 âm lịch), Lễ hội Dinh Cô – Long Hải (diễn ra từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch)… cầu cho xóm làng bình yên, mưa thuận, gió hoà, được mùa tôm cá. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân ở các làng cá ven biển đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội Nghinh Ông ở Đình thần Thắng Tam. Lễ hội này bắt nguồn từ dạng tín ngưỡng vật tổ của cư dân vùng ven biển nước ta. Theo quan niệm của những ngư dân vùng biển Vũng Tàu, cá Voi là một vị thần thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần của ngư dân mỗi khi đi biển nhất là lúc gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, bị hiểm nguy đe dọa. Lễ hội Nghinh Ông ngày nay không chỉ có những nghi lễ truyền thống như lễ rước Ông từ biển về nhập điện, kiểm tra sắc phong, cầu quốc thái dân an; lễ dâng hương, rượu và cúng tiền hiền mà còn có nhiều hoạt động vui hội khác: biểu diễn lân sư rồng, hát tuồng, các môn thể thao truyền thống… Ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban Quản lý khu di tích lịch sử Đình thần Thắng Tam cho biết: “Lễ hội Nghinh Ông là dịp để bà con ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc; đồng thời lễ hội cũng là dịp để ngư dân tạ ơn nghề biển”.
 
Ngoài lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Dinh Cô cũng mang đậm sắc màu văn hóa của biển. Hàng năm, lễ hội Dinh Cô – Long Hải mở trong 3 ngày (10 - 11 và 12 - 2 âm lịch) thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, hoạt động như thả đèn hoa đăng, đánh trống, đánh chiêng, đua thuyền .... được tổ chức. Bên cạnh đó, ban tổ chức lễ hội thường mời các đoàn hát về diễn tuồng và hát bội. Ngoài ra, còn có các màn trình diễn múa lân sư rồng, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc) và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, đua thuyền, kéo co… Các trò chơi dân gian này thường thu hút đông đảo thanh niên ngư dân trong làng tham gia, giúp cho lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn. Lễ hội Dinh Cô - Long Hải được xem như ngày tết của những người đi biển, dù đang đánh bắt ở đâu họ cũng quay thuyền về bến. Các nhà trong vạn ghe, ngoài việc tế lễ ở trong dinh còn tập trung thuyền bè, tàu cá ở ngoài biển, trang hoàng lộng lẫy, hướng mũi thuyền về phía bức tượng của Cô trên đỉnh núi Kỳ Vân như một ước vọng về sự an lành, bình yên trước sóng gió biển khơi.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu