Liên Kết Website Liên Kết Website
Làng nghề Làng nghề
Biển và cuộc sống.
09:44 | 14/05/2014 Print   E-mail    

 
Biển dẫu gần gũi với người dân Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng có nhiều điều thú vị về biển mà ta chưa khám phá hết. Trong chuyến hành trình “về với biển”, chúng tôi lượm lặt được những câu chuyện về biển. Ở đó có những chuyện kể về làng cá lâu đời, những nét văn hóa độc đáo của ngư dân ven biển và ở đó còn có cả vị mặn chát của những cuộc mưu sinh nơi đầu sóng ngọt gió…

Kể chuyện làng biển
 
Không ai còn nhớ chính xác tuổi của những làng cá lâu đời trên đất Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng bao năm qua đi, câu chuyện truyền thuyết về những làng cá này vẫn không bao giờ cũ.
 
 
“Ngó lên Đất Đỏ làm cỏ cho quen/ Lưới Rê đi cưới một thiên cá mòi/ Không tin dỡ hộp ra coi/ Rau răm ở dưới cá mòi ở trên”. Câu đồng dao quen thuộc này chúng tôi vẫn được nghe đám nhỏ cất lên mỗi lần trở lạithị trấn Phước Hải – một làng chài lâu đời và trù phú ở huyện Đất Đỏ. Ông Trần Văn Tài, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải giới thiệu về lịch sử địa phương một cách mạch lạc. Ông kể, vào khoảng năm 1725 - 1730, có một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển (thuộc ấp Hải Lạc ngày nay) khai phá đất hoang. Thuở ấy đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm và rất nhiều thú dữ. Hằng ngày ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới, rê theo con nước lên xuống để đánh bắt tôm, cá. Một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành một xóm, gọi là xóm Lưới Rê. Sau này, cuộc sống của người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải Chữ. Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền được sáp nhập lại, gọi là thôn Phước Hải (nay là thị trấn Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ). Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát đạt của nghề cá đã làm cho làng chài Phước Hải ngày một trù phú.
 
Câu chuyện về những làng biển lâu đời ở Bà Rịa – Vũng Tàu dường như cứ trải dài trên những chuyến hành trình “về với biển” của chúng tôi. Và càng cảm thấy thú vị hơn khi trong nhật ký những chuyến đi của chúng tôi đã dừng lại ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) một trong những làng cá hình thành từ rất sớm trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Phước Tỉnh nằm ở phía Đông Cửa Lấp, thuận lợi cho ghe tàu đánh cá ra vào và đỗ nghỉ. Tương truyền rằng, từ thời Gia Long (1802-1820), người ta đã dựng Đàn Kỳ Phong ở Phước Tỉnh để thờ các vị hải thần. Trước năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837) Phước Tỉnh có tên gọi là làng Giếng Bộng. Sau giải phóng, Phước Tỉnh là một làng chài nằm ven sông, trong đó cư dân chủ yếu sống bằng nghề làm lưới, câu cá. Ngày nay, Phước Tỉnh là một làng biển giàu có với nghề đóng tàu và đánh bắt xa bờ.
 
Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho rằng, sẽ thiếu sót nếu kể tên làng cá lâu năm ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà không nhắc đến ba làng: Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam (TP. Vũng Tàu). Theo truyền thuyết, đầu đời vua Minh Mạng (1820), ba viên đội Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền được phái đến Vũng Tàu trấn ải, lập đồn binh, dẹp yên nạn cướp biển. Từ chính sách “ngụ binh ư nông”, ba ông đội này lập ra ba làng (Tam Thắng) gồm: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam. Năm 1836, Tam Thắng thuộc tổng An Phú Thượng, huyện Phước An. Ngày 1-5-1895, thực dân Pháp thành lập thành phố Cap Saint Jacques bao bồm ba làng Thắng. Cũng như các làng cá lâu đời của Bà Rịa- Vũng Tàu, Tam Thắng xưa (nay là TP. Vũng Tàu) có một đặc điểm là quá trình hình thành và phát triển gắn liền với quá trình tụ cư, trong đó chủ yếu là các quá trình di dân tự do từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu