Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Vũng Tàu chưa mở rộng mô hình trường học mới VNEN
08:06 | 17/07/2016 Print   E-mail    

Mô hình trường học mới (còn gọi là VNEN) được Bộ Giáo dục và đào tạo triển khai từ năm học 2011-2012  đối với cấp tiểu học và đến năm học 2012-2013, dự án được triển khai sâu rộng trên 63 tỉnh thành trong cả nước. Mô hình VNEN có nguồn gốc từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy và học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học.

 

Một bài học theo mô hình VNEN được thiết kế gồm những hoạt động như: hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Các phòng học theo mô hình VNEN được bố trí linh động với đồ dùng dạy và học sẵn có để học sinh tham khảo; học sinh được tổ chức ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, do học sinh bầu ra và đảm nhiệm. Cách làm này giúp học sinh phát huy quyền làm chủ trong học tập, rèn luyện kỹ năng hợp tác làm việc theo nhóm.

Tại thành phố Vũng Tàu mô hình này được đưa vào từ năm học 2014-2015 với cấp tiểu học tại các 3 trường (TH Hải Lam, TH Song Ngữ và TH Hạ Long) cho học sinh lớp 2 với 15 lớp/543 học sinh. Năm học 2015-2016 có 16/22 trường tiểu học thực hiện toàn phần mô hình trường học mới  với 125 lớp/4.717 học sinh và 15/16 trường THCS đăng ký tham gia với 39 lớp 6/1.345 học sinh. 

Theo ghi nhận, việc tổ chức dạy học theo mô hình Trường học mới tạo được không khí vui tươi và thuận lợi cho quá trình tổ chức các hoạt động học tập, tăng cường mối liên hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên. Giáo viên đã tổ chức hoạt động học cho học sinh theo phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; giờ học cởi mở, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh gần gũi, thân thiện hơn. Học sinh bắt nhịp được với hình thức học tập mới; tích cực và tự lực hơn trong học tập; bước đầu biết trao đổi thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm; có tiến bộ trong giao tiếp, biết hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.

Tuy nhiên, là năm thứ hai thực hiện mô hình VNEN tại bậc tiểu học và năm đầu tiên thực hiện mô hình tại bậc THCS trên địa bàn thành phố nên cán bộ quản lý, giáo viên các trường được chọn thí điểm còn thiếu kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo triển khai trong: xây dựng chương trình và thực hiện chương trình; sự phối hợp giữa giáo viên giảng dạy và giáo viên chủ nhiệm trong việc nhận xét, đánh giá học sinh; cơ cấu giáo viên không đồng đều nên gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và hoạt động giáo dục; nhiều giáo viên còn lúng túng về phương pháp dạy học theo đặc trưng bộ môn, chưa linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động dạy học; nhiều học sinh chưa được học theo mô hình Trường học mới ở bậc tiểu học nên khó bắt kịp với phương pháp học tập mới ở bậc THCS...Khó khăn lớn nhất mà ngành GD-ĐT đang gặp phải là thiếu cơ sở vật chất. Việc thực hiện mô hình VNEN đòi hỏi các trường phải dạy 2 buổi/ngày, trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày. Hơn nữa, hiện nay các lớp học chỉ rộng khoảng 50m2, học sinh thì đông  nên  khó để sắp xếp theo mô hình. Mặt khác, trong quá trình dạy học theo mô hình VNEN, giáo viên hạn chế tối đa việc thuyết trình, giảng giải mà tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh… nhưng có một bộ phận học sinh chưa có ý thức cao trong việc tự học, còn hạn chế khi tham gia thảo luận nhóm. Nhiều giáo viên cũng cho rằng, học nhóm theo mô hình VNEN có nhiều điều bất lợi, khi số học sinh trong một nhóm từ 4-7 em nhưng chỉ một vài em có ý thức học, biết hợp tác, các em khác còn thiếu tập trung; trong đó phải kể đến việc đánh giá học sinh không thông qua điểm số như trước nên gây tâm lý lười học, thiếu ý thức phấn đấu và rèn luyện trong học tập của học sinh. Phụ huynh cũng khó xác định được lực học của con em mình nên có tâm lý lo lắng.

Xác định giáo dục là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và mọi việc thay đổi trong lĩnh vực giáo dục cần phải hết sức thận trọng để đảm bảo làm sao sự thay đổi đó phải có sự đồng thuận của nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực, qua 2 năm thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về mô hình trường học mới tại thành phố đã xuất hiện nhiều sự tồn tại và dẫn đến tâm lý của người dân bất an, nên trong hội nghị Ban chấp hành đảng bộ thành phố khóa VI lần thứ sáu vừa qua, Ban chấp hành đảng bộ thành phố đã đưa nội dung này ra thảo luận. Và tại hội nghị đã có rất nhiều ý kiến đưa ra nên xem xét lại mô hình, qua thảo luận, gợi ý cũng như những giải đáp của Phòng giáo dục thành phố, đồng thời căn cứ vào các điều kiện để thực hiện mô hình, Ban chấp hành đảng bộ thành phố đã quyết nghị: kiến nghị với HĐND tỉnh, các cấp lãnh đạo của tỉnh cho phép thành phố Vũng Tàu chưa mở rộng mô hình trường học mới trong năm học 2016-2017 để thành phố có thời gian bổ sung các cơ sở vật chất, tập huấn, đào tạo đội ngũ thầy cô giáo cũng như tuyên truyền vận động thuyết phục cho người dân thành phố hiểu rõ lợi ích của mô hình trường học mới. Đối với các trường học đang triển khai mô hình này sẽ tiến hành sơ kết năm học 2015-2016, đánh giá những mặt đã đạt được, những mặt chưa đạt được cũng như đánh giá lại những điều kiện của mô hình trường học mới, nếu thấy đạt thì tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình còn nếu chưa đạt thì tạm dừng;  đối với những trường chưa thực hiện mô hình trường học mới Ban giám hiệu các trường cần xem xét vận dụng linh hoạt, sáng tạo những ưu điểm của mô hình VNEN để tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, công tác quản lý nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình trường học mới tuy có nhiều ưu điểm nhưng nó đòi hỏi phải có đầy đủ các yếu tố: số trường lớp dạy 2 buổi/ngày; quy cách bàn ghế cũng như điều kiện cơ sở vật chất trường học; đội ngũ giáo viên, thầy cô giáo và quản lý ngành giáo dục; tình hình in ấn và phát hành sách giáo khoa và sự đồng thuận hay không đồng thuận của hội cha mẹ học sinh thì mới phát huy được hết ưu điểm đó. Do đó việc chưa mở rộng mô hình VNEN tại thành phố sẽ giúp cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác dạy và học./. 

Bài, ảnh: Phương Anh, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu