Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Phong tục đón Tết của người Việt
04:27 | 16/01/2016 Print   E-mail    

Khi những cành đào khoe sắc, cánh mai vàng hé nở cũng là lúc chúng ta thấy Tết đã cận kề với mỗi người con đất Việt. Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Phong tục  đón Tết của người Việt cũng mang những nét đặc trưng riêng. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, mỗi người con đất Việt dù làm bất cứ nghề gì, ở bất kì đâu, đều mong được trở về nhà sum họp gia đình. Trước Tết đến nửa tháng, các thành viên trong gia đình đã sơn sửa, dọn dẹp, trang trí lại nhà để đón xuân.

(Hình minh họa)

Tết Việt là cái hương vị náo nức của củ hành, củ kiệu muối, của mứt dừa, của không khí của những ngày Tết... Thích nhất là những lúc cùng người thân đi chợ ngày 30, chợ Tết thật đông vui. Nhìn những gương mặt vui vẻ mời hàng của người bán như đang mong đợi chợ tan để kiếm “mớ” tiền tiêu Tết. Chợ ngày Tết có không khí khác hẳn những phiên chợ ngày thường trong năm. Theo thói quen, người đi chợ sắm Tết thường mua rất nhiều đồ. Tuy nhiên, những đồ này không phải là để dự trữ trong những ngày Tết mà là theo thói quen, người Việt Nam thường quan niệm, cả năm mới có một ngày Tết nên mua sắm cũng nhiều hơn ngày thường. Đặc biệt, những món ngon độc lạ mà ngày thường không có thì được bày bán trong những phiên chợ Tết. Người người đi chợ sắm Tết tạo nên không khí ngày Tết ấm cúng, sôi nổi.

Bánh chưng, bánh tét là lễ vật và món ăn cổ truyền điển hình nhất của ngày Tết. Nói đến bánh chưng là nói đến lúa nếp, lá dong. Có lẽ Tết cổ truyền sẽ không còn là Tết nữa nếu thiếu bánh chưng. Thấy mùi hương của nếp bốc lên từ nồi bánh chưng sôi sùng sục là hương vị của ngày Tết đã về.

Về mâm ngũ quả, nhà nào cũng có tục lệ bày mâm ngũ quả trong ngày Tết để dâng cúng ông bà, tổ tiên, thể hiện kết quả tốt đẹp của nghề nông, sự phồn vinh của gia đình, cũng như nói lên ước vọng trong năm mới được sung túc, no đủ. Hầu như tất cả các loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng thì đều có thể dùng để bày mâm ngũ quả (không nhất thiết phải bày 5 loại quả, mà thường từ 5 - 7 loại), kể cả trái ớt mang vị cay, miễn sao trông đẹp mắt, nhưng phải có nải chuối xanh và quả phật thủ hoặc quả bưởi chín vàng.

Có đi xa mới hiểu hết được mùi vị Tết, mới hiểu được sự mong chờ người con trở lại. Sao mà thấy Tết thiêng liêng đến vậy! Tết thật gần gũi trong tâm trí người Việt, mấy đứa nhỏ háo hức tranh nhau khoe áo đẹp. Sao mà nhớ hương vị tết đến thế, nhớ cái mùi củ kiệu, củ hành trắng làm nóng ran cả bàn tay, cay xè cả mắt những lúc bị bắt ngồi hàng giờ để gọt vỏ. Nhớ cái mùi của chảo mứt tết thơm lừng của mẹ. Nhớ những chiếc lạp xưởng mà ngày xưa mình ghét cay ghét đắng vì làm sao mà cực nhọc quá…

Những ngày giáp Tết, tất cả đều tất bật dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, mua sắm quần áo và đồ đạc mới, mua các vật phẩm trang trí nhà cửa, nhằm rũ bỏ những cái cũ, cái không may mắn để đón chào năm mới. Mọi người cũng tất bật chọn mua nguyên vật liệu để chế biến các món ăn, mua trái cây để bày mâm ngũ quả, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và lá dong để gói bánh chưng…tất cả đã tạo nên hương vị Tết Việt rất riêng không lẫn vào đâu được. Hương vị đó đã trở thành nỗi nhớ cháy bỏng của những người phải xa quê hương dịp Tết đến, xuân về.

Đêm 30, mọi nhà làm lễ cúng Giao thừa - thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, tiễn đưa vị thần trông coi việc nhân gian năm cũ và đón rước vị thần năm mới với những niềm hy vọng mới. Đồng thời, đón tổ tiên về ăn Tết, sum họp với con cháu, bởi người Việt quan niệm, chết chỉ là sự tiêu tan của thể xác, linh hồn vẫn còn và luôn ở bên con cháu, giúp đỡ, che chở con cháu. Lễ cúng giao vừa cũng mang một hương vị không thể thiếu của Tết cổ truyền Việt.

Tết của người Việt không thể thiếu hoa. Hàng ngàn, hàng vạn cành hoa, chậu hoa rực rỡ, như một dòng sông đầy sắc màu chảy về những chợ hoa xuân và theo chân người bước vào từng nhà, trong đó hoa đào, hoa mai là nhiều hơn cả. Người xưa quan niệm, hoa đào có tác dụng trấn trạch, trừ tà. Người Việt còn trang trí nhà cửa bằng câu đối, cầu mong mọi việc trong năm mới được tốt lành. Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.

Tết nguyên đán Bính Thân đang tới gần. Hy vọng năm mới sẽ mang lại cho tất cả chúng ta thật nhiều niềm vui và may mắn. Dù làm gì, ở đâu thì chúng ta cũng sẽ mãi gìn giữ  những phong tục Tết cổ truyền và tâm hồn Việt Nam./.

Bài: Lê Ngân, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu