Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tỏa sáng những tấm gương y đức
02:53 | 27/02/2015 Print   E-mail    

 
 
Sự phát triển của các ngành công nghiệp và tốc độ đô thị hoá nhanh đã thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, tạo gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là cho ngành y tế. Các Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nhân viên y tế luôn phải làm việc hết công suất trong môi trường độc hại. Mặc dù áp lực công việc nặng nề là vậy nhưng nhiệt tâm của nhiều thầy  thuốc vẫn luôn tỏa sáng.
 
Đến khoa cấp cứu Bệnh viện Bà Rịa trong ngày nghỉ tết mới thấy hết nỗi vất vả của bác sĩ Tạ Anh Tuấn- Trưởng khoa cấp cứu bệnh viên Bà Rịa và những đồng nghiệp của anh. Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã có hàng chục bệnh nhân được đưa đến cấp cứu với đủ loại bệnh. Không một phút ngơi nghỉ, bác sĩ Tuấn nhanh chóng phân loại bệnh nhân và cùng ê kíp trực tại đây mỗi người một việc cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng qua cơn nguy kịch. Không chỉ lễ tết mà ngày thường, mỗi ngày, bình quân khoa cấp cứu bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận gần 200 ca bệnh, trong khi đó, khoa chỉ có 4 bác sĩ trực tiếp làm việc tại đây. Bệnh nhân đông, nhân lực thiếu, với cương vị là Trưởng khoa, bác sĩ Tuấn vừa phải làm công tác quản lý điều hành khoa, vừa phải trực tiếp khám, cứu chữa cho bệnh nhân. Là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân vào viện, việc chẩn đoán đúng bệnh và ổn định tâm lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Chỉ cần chậm trễ giây phút và đưa ra quyết định sai, người thầy thuốc có thể làm mất đi cơ hội sống của người bệnh và khiến cho người nhà bệnh nhân nổi giận. Áp lực là thế, song bác sỹ Tuấn vẫn luôn yêu công việc của mình. Anh ân cần, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân thoát cơn hiểm nghèo. Bác sĩ Tuấn còn thường xuyên nhắc nhở các các y, bác sỹ trong khoa phải giữ gìn thái độ ứng xử, giao tiếp, tránh gây phiền hà đối với người bệnh, tạo niềm tin đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đến với bệnh viện. Bằng thái độ làm việc nghiêm túc, anh luôn được đồng nghiệp kính trọng, người bệnh tin yêu.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh- Phó giám đốc Bệnh viện Bà Rịa nhận xét: “Tiếp xúc với bác sĩ Tuấn chúng ta sẽ thấy đây là một bác sĩ tận tụy với nghề, anh được đào tạo bài bản và được học nhiều về cấp cứu, hồi sức cấp cứu và được BGĐ tin tưởng giao cho nhiệm vụ trưởng khoa cấp cứu BV BR. Dưới sự lãnh đạo khoa của bác sĩ Tuấn, ê kíp trực ở khoa cấp cứu BV BR đã trở thành một ê kíp hết sức chuẩn xác về kỹ thuật và phối hợp rất nhịp nhàng.  Bác sĩ Tuấn là người vững về chuyên môn và hòa đồng với đồng nghiệp, anh không từ nản một vấn đề gì trong công tác điều trị và cũng không đùn đẩy bệnh nhân. Tôi cho rằng bác sĩ Tuấn là người rất giỏi, vừa hồng vừa chuyên. Giỏi về nghề nghiệp và tận tụy về y đức”
 
Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Tạ Anh Tuấn- Trưởng khoa cấp cứu bệnh viên Bà Rịa cho biết: “ Công việc rất áp lực, nhưng nếu mình coi bệnh nhân như một người bạn hay một người nhà của mình thì công việc sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Và đối với tôi, tôi luôn quan tâm đến những sở thích, yêu cầu của người bệnh đồng thời giải thích rõ tình hình bệnh tật cho người bệnh và phải quan tâm thêm về mặt cuộc sống. Bởi vì nhiều người bệnh trong cuộc sống gặp nhiều khó khăn, áp lực nên người bác sĩ như chúng tôi cần giúp bệnh nhân giải tỏa tâm lý. Với những người bệnh khó khăn về tiền bạc, chúng tôi thường đề xuất bệnh viện giúp đỡ hoặc chúng tôi tự quyên góp giúp đỡ cho bệnh nhân của mình. Công việc nhiều, khó khăn và áp lực lắm, người bác sĩ phải hòa đồng, đoàn kết với đồng nghiệp của mình mới có thể hoàn thành tốt việc cấp cứu bệnh nhân. Theo tôi, làm tốt những điều này cũng là thực hiện tốt về y đức.”
 
Luôn tâm niệm: “Người thầy thuốc không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức, coi bệnh nhân như những người thân của mình", bác sĩ Dương Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cũng nhận được nhiều tình cảm từ bệnh nhân và đồng nghiệp. Nhiệt tình trong công việc, giỏi về chuyên môn, bác sĩ Dương Thanh được giao nhiều trọng trách như: Trưởng khoa điều trị, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Chủ tịch công đoàn, Phó GĐ Bệnh viện Mắt tỉnh. Dù ở cương vị nào, bác sĩ Dương Thanh cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh còn là một trong những người hăng hái đi đầu trong các hoạt động từ thiện của đơn vị mà nổi bật là hai chương trình: chăm sóc mắt học đường và phòng chống mù lòa của tỉnh. Gần 15 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Thanh không thể nhớ hết mình đã khám mắt miễn phí cho bao nhiều người nghèo, phẫu thuật mang lại ánh sáng cho bao nhiều người mù. Chỉ biết rằng, con số ấy đã lên tới hàng ngàn người và anh thường xuyên nhận được những bức thư cảm ơn, những bài thơ của bệnh nhân dành tặng. Đó là hạnh phúc và là động lực để bác sĩ Thanh tiếp tục cống hiến, hết mình với công việc.
 
Bác sĩ Dương Thanh- Phó giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất đối với người thầy thuốc là nhìn thấy bệnh nhân của mình, nhìn thấy những người đã được mình điều trị, được phẫu thuật phục hồi sức khỏe và tìm lại được niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Bản thân tôi mặc dù đã nỗ lực hết sức , tuy nhiên so với kỳ vọng của bản thân và nhu cầu của xã hội thì mình thấy mình vẫn chưa hoàn thành được hết những gì mình mong mỏi để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do vậy, tôi thấy bản thân mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân”
 
Yêu thích nghề y học cổ truyền, từ nhỏ, bác sĩ Ký Thị Phượng ở Khoa Đông y- Trung tâm y tế Long Điền đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một bác sĩ Đông y. Vượt qua mọi khó khăn từ hoàn cảnh gia đình, chị Phượng đã biến ươc mơ ấy thành hiện thực. Bằng kiến thức học được, khi về công tác tại Trung tâm y tế Long Điền, chị Phượng đề xuất với BGĐ mở Khoa Đông y. Được cấp trên đồng ý, chị hăng hái tìm mua các dụng cụ tập vật lý trị liệu, đơn vị không đủ kinh phí, chị Phượng tự bỏ tiền túi tự mua. Thời gian đầu mới triển khai, bệnh nhân còn thưa thớt do chưa tin vào phương pháp điều trị của y học cổ truyền. Không nản chí, chị và hai điều dưỡng của mình vẫn kiên trì điều trị. Chị Phượng vận dụng hết tất cả những gì được học và những gì nghiên cứu được để điều trị lành bệnh cho nhiều bệnh nhân. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm đến khoa của chị ngày càng đông. Bình quân mỗi ngày có thể lên tới 150 người bệnh, chiếm hơn 2/3 số lượng bệnh nhân tới TTYT.  Bệnh nhân đến đây điều trị chủ yếu là người già mắc các bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài như tai biến, đau xương khớp, cột sống... Và chị Phượng luôn xem họ như người thân trong gia đình mình, coi sự đau đớn của người bệnh là vết đau của chính mình. Vì vậy, dù nhân lực của khoa chỉ có 2 bác sĩ và 8 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhưng chị Phượng vẫn luôn ôn tồn, hòa nhã và tươi cười với bệnh nhân, dù công việc của chị khá áp lực.
 
Bác sĩ Ký Thị Phượng  điều trị tại Khoa Đông y- Trung tâm y tế huyện Long Điền cho biết. “ Số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại Khoa Đông y của TTYT Long Điền trung bình một tháng ba ngàn lượt, trung bình 150 bệnh nhân một ngày. Vừa châm cứu vừa hướng dẫn tập luyện, công việc rất là nặng. Những bệnh nhân đến đây phải xem như người nhà, người thân của mình, hết lòng tập luyện thì mới có hiệu quả, chứ nếu không có cái tâm giống như đến để mình tập thôi thì sẽ không đạt được hiệu quả nhưu ý muốn.”
 
Đâu đó còn những điều tiếng, còn những hạn chế về năng lực đòi hỏi các thầy thuốc phải không ngừng nỗ lực rèn luyện và vượt lên. Thế nhưng, với những người đã chọn khoác lên mình màu áo trắng thiên thần, thì hình ảnh chung nhất của họ vẫn là “lương y như từ mẫu”. Để cuộc sống đã và mãi có thêm nhiều câu chuyện đẹp về tình người, về những kỳ tích trước lằn ranh sống-chết.
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu