Chỉ đạo của UBND Thành Phố Chỉ đạo của UBND Thành Phố
Tăng cường sự lãnh đạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân
03:16 | 20/09/2020 Print   E-mail    

Ngày 15/9/2020 vừa qua, Thành ủy Vũng Tàu đã ban hành Công văn số 109-CV/TU về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.

Theo đó, để nâng cao sự hiểu biết và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn thành phố, đóng góp tích cực vào việc giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, ngăn chặn và đẩy lùi hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng trực thuộc, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”. Nâng cao ý thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ 2: Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường đạt chuẩn  tiếp cận pháp luật, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới ban hành thuộc phạm vi quản lý của từng đơn vị, địa phương, nội dung cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể.

Thứ 3: Tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, rút kinh nghiệm, chú trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả gắn với từng chủ đề, nội dung, đối tượng; Động viên, biểu dương các gương điển hình trong phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ 4: Đổi mới, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; củng cố đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có chính sách thích hợp cho đội ngũ cán bộ nhằm tạo động lực hoạt động, hướng tới tính chuyên sâu, chuyên nghiệp. Thực hiện đầy đủ các chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đa dạng hóa nguồn lực xã hội đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ 5: Đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng yếu thế, cho đối tượng đặc thù, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc, người khuyết tật…

Thứ 6: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua trang thông tin điện tử, trang facebook chính thống của các cơ quan, đơn vị, địa phương góp phần đưa pháp luật lan tỏa nhanh đến với mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ 7: Giao UBND thành phố chỉ đạo phòng Tư pháp, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, Hội Luật gia thành phố, MTTQ và các đoàn thể thành phố phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung chỉ đạo trên. Định kỳ tổng hợp kết quả, báo cáo Thường trực Thành ủy./.

Tin: Bằng Lăng, BBT