Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Cần nâng cao “Văn hóa đọc sách” cho các em học sinh, các bạn trẻ.
10:32 | 10/02/2018 Print   E-mail    

Thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục thành phố Vũng Tàu đã chú trọng nhiều giải pháp nâng cao văn hóa đọc sách cho các đối tượng, nhất là thanh niên, học sinh. Không chỉ phát huy hiệu quả từ những ngày hội sách mà các nhà trường, thư viện, phòng đọc, nhà văn hóa tại thành phố Vũng Tàu cũng đang thu hút đông đảo bạn đọc. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm phát triển thói quen đọc sách, trở thành nhu cầu thường ngày của mỗi người để nâng đỡ tâm hồn, trau dồi kiến thức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cuộc dống hiện đại hôm nay.

Trường Tiểu học Trưng Vương TP Vũng Tàu tổ chức ngày hội đọc sách cho các em học sinh

Có thể thấy rằng, những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc của học sinh ở các nhà trường, cho các bạn trẻ. Với thói quen nhanh và tiện, những tri thức trên mạng khi cần có thể gõ vào trang tìm kiếm để lấy về nên nhiều học sinh thờ ơ, thậm chí lười đọc sách, lười tìm kiếm những cuốn sách hay, mới, bổ ích cho môn học và thực tiễn đời sống. Việc đến thư viện, miệt mài đọc sách, ghi chép lại những tri thức quan trọng dần trở nên xa lạ đối với một bộ phận học sinh. Sự lệ thuộc vào tri thức vào mạng Internet kèm theo những hệ lụy như tri thức không chính xác, tản mạn, không hệ thống, không rõ nguồn trích dẫn khiến việc tư duy và phương pháp học của học sinh trở nên thiếu khoa học và sự sáng tạo. Trong khi đó, nguồn sách của thư viện ở nhiều nhà trường rất dồi dào thì lại không được khai thác triệt để. Học sinh chưa thấy được điều thú vị, cái hay của việc cầm trên tay cuốn sách mới và bổ ích. 

Chính từ thực tiễn đó, nhiều năm trở lại đây, ngành Giáo dục thành phố Vũng Tàu đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi học sinh thành phố nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập và cuộc sống; giúp các em hiểu rằng sách là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, một cuốn sách tốt giống như một người bạn hiền… Xuất phát từ mục đích đó, các trường học tại thành phố Vũng Tàu đã đầu tư và xây dựng hệ thống thư viện nhằm đưa văn hóa đọc tới gần hơn với từng học sinh.

Các em học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương trong ngày hội đọc sách

Tại Trường Tiểu học Trưng Vương thành phố Vũng Tàu, ngoài thư viện chung, nhà trường cũng đã khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay lớp học. Nhờ vậy, mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi. Từ khi nhà trường phát động phong trào đọc sách, các em học sinh đã hết sức hào hứng. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô của Trường còn hướng dẫn cho các em các kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho học sinh cách chọn lựa các đầu sách hay. Mỗi tháng học sinh đều viết bản thu hoạch của riêng mình về những cuốn sách bổ ích mà mình đã được đọc.

Có thể thấy rằng, để tạo cho học sinh có được thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong các trường học là hết sức quan trọng. Ý thức được điều đó, nhiều nhà trường tại thành phố Vũng Tàu đã có những phương pháp tổ chức thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh, trong đó đặc biệt được chú trọng là việc phát triển và đổi mới hệ thống thư viện trường học. Để khuyến khích thói quen đọc sách cho các em học sinh, một số thư viện trường còn áp dụng hình thức hoạt động mới bằng các giải pháp như: Phát thẻ đọc cho học sinh được đọc sách trong các giờ ra chơi, chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; lồng ghép tổ chức những hoạt động như: Thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể của khối…

Trao đổi về việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, cô Vũ Thị Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chí Linh thành phố Vũng Tàu cho biết: “Văn hóa đọc góp phần hình thành nhân cách học sinh, giúp các em phát triển toàn diện cả về giáo dục và trí dục. Những trang sách hay mở ra cho các em những thế giới muôn màu, hướng các em biết yêu cái đẹp, biết cảm thụ cái đẹp. Qua đó, học sinh được cập nhật thêm nhiều kiến thức phong phú, truyền cho các em tình yêu với tri thức. Trường chúng tôi cũng đã thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách đối với học sinh. Hoạt động này đã lồng ghép vào giờ chào cờ hàng tuần, mỗi tháng nên giới thiệu kĩ lưỡng một đến hai cuốn sách mới hay một ấn phẩm mới xuất bản liên quan đến tri thức học đường và cuộc sống”.

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, việc phát triển văn hóa đọc cho các bạn trẻ, các em học sinh trong nhà trường chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp cho các giáo viên, học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập - một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em học sinh, cho các bạn trẻ về văn hóa đọc đang rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT