Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Đẩy mạnh việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng
09:18 | 17/12/2017 Print   E-mail    

Những năm gần đây, tốc độ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở thành phố diễn ra khá nhanh. Nhiều con đường, tuyến phố mới được mở mang, xây dựng, tạo điều kiện cho người dân ổn định nơi ở, phát triển kinh doanh và dịch vụ. Tuy nhiên, tình hình quản lý trật tự xây dựng cũng ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp bởi tình trạng xây dựng trái phép, không phép, cơi nới, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang giao thông... diễn ra khá phổ biến. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành của thành phố đã tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Nhờ đó, số vụ vi phạm trật tự xây dựng đã giảm so với trước.

Theo điều tra xã hội học của UBND thành phố, hiện nay tại khu Bàu Trũng có 1.827 hộ dân sinh sống, hầu hết các hộ dân tại đây đều xây dựng trái pháp luật. Khu Bàu Trũng nói riêng và phường Nguyễn An Ninh nói chung là một trong những “điểm nóng” về tình trạng xây dựng trái pháp luật do là địa bàn quy hoạch kéo dài hơn 20 năm. Vì nhu cầu về nhà ở nên người dân cố tình vi phạm, thậm chí đối phó lại công tác giám sát quản lý của chính quyền như: dựng hàng rào tôn kín và cao hòng che mắt lực lượng kiểm tra, xử lý; tranh thủ xây dựng vào các ngày nghỉ (kể cả ban đêm); dựng nhà tôn bằng vật liệu cũ, rẻ tiền, đưa gia súc vào nhốt rồi lấy lý do trông giữ để ở cùng và chờ thời cơ lực lượng ít giám sát thì tổ chức xây dựng bên trong. Phường 11 cũng là một “điểm nóng” khác của thành phố về tình trạng xây dựng trái pháp luật. Phường có tổng diện tích 1.020 ha, trong đó có đến 80% diện tích đất nông nghiệp. Trên địa bàn phường có 31 dự án, trong đó có 10 dự án đã triển khai, 21 dự án còn lại đã ra thông báo thu hồi đất. Do phần lớn đất đai vướng quy hoạch mà nhu cầu về nhà ở rất bức thiết nên nhiều người làm liều xây nhà không phép, trong đó 90% nhà không phép nằm trên đất nông nghiệp. Trong đó, địa bàn khu phố 3, đường Đô Lương là nơi có nhiều nhà xây không phép nhất. Bởi lẽ, ngày 25/9/2009, UBND tỉnh đã ra quyết định về việc thu hồi hơn 90.000m2 đất (của 112 hộ dân) tại khu vực này để đầu tư dự án Trung tâm hành chính thành phố Vũng Tàu. Tuy nhiên, do nhu cầu về chỗ ở, nhiều người dân vẫn mua bán sang tay đất đai, rồi lén lút xây dựng nhà cửa. Theo chính quyền địa phương, đa số các hộ sống ở những khu nhà “chui” này đều từ các tỉnh khác đến, chưa có hộ khẩu thường trú, chỉ có giấy tạm trú, hoặc hộ khẩu nhập vào nhà người quen ở nơi khác.

Ông Nguyễn Lập - Chủ tịch UBND thành phố cho biết theo số liệu của Công an thành phố, hiện tai dân số của thành phố là trên 500.000 người, trong đó nhiều hộ dân tạm trú, hộ phải ở nhà thuê, nhà tạm. Nhu cầu về nhà ở để “an cư lạc nghiệp” của người dân là rất lớn, gây áp lực dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công, đất quy hoạch dự án, san nhượng đất và xây nhà ở không phép, trái phép, gây mất trật tự xây dựng và quản lý đô thị của thành phố trong những năm qua. Việc xử lý vấn đề này còn nhiều khó khăn do những bất cập về quy định pháp luật; Chính phủ, các Bộ, ngành chưa kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định đã cũ, hết hiệu lực hoặc hết một phần hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, lực lượng cán bộ, công chức chuyên trách về lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị, xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu theo sự phát triển cả thành phố. Về phía UBND các phường, xã thì chưa thường xuyên tập trung thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ đầu; thiếu kiên quyết, không triệt để gây khó khăn cho việc xử lý và khắc phục hậu quả; còn lúng túng trong việc xử lý các trường hợp tiếp tục vi phạm; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm chưa triệt để.

Thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU “Về tăng cường lãnh đạo ngăn chặn, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn thành phố”, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố cùng các phòng, ban chuyên môn và các địa phương đã nhìn nhận thời gian qua, trong quá trình xử lý vi phạm, mới chỉ xử lý được phần ngọn, còn phần gốc thì chưa xử lý triệt để. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, chỉ xử phạt việc xây nhà không phép mà không xử phạt vi phạm về hành vi tự chuyển mục đích sử dụng, san lấp, phân lô đất nông nghiệp và chuyển nhượng bằng giấy tay giữa các cá nhân. Khi phát hiện vi phạm các đơn vị này không tích cực phối hợp, chính quyền thành phố cũng chưa kiên quyết xử lý, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý và vận động quần chúng nhân dân tuân thủ quy định pháp luật về đất đai.

Trên cơ sở nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém, lãnh đạo thành phố đã quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thường vụ Thành ủy nếu để xảy ra vi phạm mới về quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn mình phụ trách. Nếu có dấu hiệu vụ lợi, bao che thì cương quyết xử lý để chấn chỉnh, làm trong sạch bộ máy. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến 30/7/2017, thành phố đã tiến hành xem xét, kỷ luật đối với 31 cán bộ, công chức để xảy ra vi phạm xây dựng trái pháp luật trên địa bàn. Trong năm 2017, có 102 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được xử phạt hành chính, trong đó có 67 trường hợp đã nộp phạt với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng người dân “xé rào” sang nhượng đất, xây nhà trái phép, thời gian qua, thành phố Vũng Tàu đã rà soát và điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đối với một số dự án như: Khu dân cư Nam Sân bay, khu dân cư Bắc Sân bay, Công viên văn hóa thể thao Bàu Trũng, khu Bắc Phước Thắng… Đồng thời, các cơ quan chuyên môn và chính quyền thành phố tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án chậm triển khai, báo cáo đề xuất UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ những dự án, quy hoạch không phù hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: Đường 30-4, trạm biến áp 220KV, Bệnh viện đa khoa thành phố, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Hàn Thuyên; triển khai cấp giấy phép xây dựng tạm đối với các hộ dân đủ điều kiện…

Ông Nguyễn Lập cho biết thêm: Để công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn thành phố ngày càng hoàn thiện và theo kịp thực tế, UBND thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, đề xuất thu hồi các dự án không hoặc chậm triển khai, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu thực tế; triển khai công tác cắm mốc quy hoạch ngoài hiện trường để người dân biết và cùng phối hợp thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch; đồng thời dựng bảng công bố quy hoạch tại các phường, xã, khu dân cư trong vùng dự án để các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm nắm thông tin, phối hợp tốt trong việc quản lý theo quy hoạch.

Như vậy, tăng cường biện pháp mạnh chính là giải pháp hữu hiệu để xử lý vi phạm xây dựng trái pháp luật và lập lại trật tự xây dựng một cách trật tự, kỷ cương. Việc quản lý xây dựng được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát, đưa quá trình phát triển đô thị ở Vũng Tàu đi theo đúng quỹ hướng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Vũng Tàu là đô thị du lịch, xanh, sạch, đẹp./.

Bài: Huy Tuấn, BBT