Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
11:03 | 05/12/2017 Print   E-mail    

Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là Nghị định nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/10/2017.

Theo đó, Nghị định đã bổ sung quy định về các tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức. Tổ chức là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đã bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành, theo đó, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính giải quyết theo quy định của pháp luật về thanh tra và khiếu nại. Đồng thời, bổ sung nội dung cấp phó của những người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được giao quyền thì có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Nghị định số 97/2017/NĐ-CP bổ sung thêm thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính có giá trị gấp 02 lần giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu của cá nhân vi phạm hành chính.

Nghị định cũng sửa đổi đối với quy định về người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Theo đó, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản. Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích; ngoài hình thức nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản qua ngân hàng đã quy định trước đây./. 

Tin: Lại Giang, BBT