An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Giữ gìn sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc
07:09 | 22/01/2017 Print   E-mail    

Sức khỏe là điều vô cùng quan trọng của con người. Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc thì nó lại càng quan trọng hơn, nhưng hầu hết mọi người lại quá ham vui trong dịp Tết nên cũng không ai để ý nhiều đến sức khỏe của mình. Tết cổ truyền Việt Nam luôn là thời gian để mọi người quây quần và sum họp bên gia đình, vì thế không thể thiếu được những món ăn truyền thống vốn chứa nhiều đạm, chất béo cùng các loại thức uống nhiều gaz và cồn… Với chế độ ăn uống như vậy, nếu không biết giữ gìn sức khỏe chúng ta dễ bị tăng cân và có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa hay ngộ độc thực phẩm.

 

Có thể thấy rằng, ăn uống hợp lý là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của mọi người, mọi nhà. Chúng ta không muốn mình có những cơn đau bụng hay đau dạ dày trong những ngày tết hoặc có thể là bị đầy hơi chỉ trong một bữa ăn nào đó dẫn đến mình sẽ không có hứng thú gì với những bữa tiệc tiếp theo. Nếu bạn thích ăn thịt bạn nên chọn những loại thịt như thịt thăn lợn, thịt bò hoặc thịt gà, thịt vịt bỏ da. Kết hợp cùng probiotic vào chế độ ăn và bạn nhớ là phải cung cấp đầy đủ 2 lít nước mỗi ngày, vì những thứ này sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt hơn. Ngoài những thứ trên thì chúng ta cần bổ sung thêm trái cây vì trong các loại quả thường giàu vitamin và rất ít calorie nên sẽ làm nhanh no khi ăn chúng, giúp cho chúng hạn chế nạp thêm những thực phẩm khác, giảm sự dư thừa năng lượng.

Theo các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm, theo phong tục, thói quen, người dân Việt Nam luôn dự trữ thực phẩm để ăn trong 3 – 4 ngày Tết. Nếu có tủ lạnh, được bảo quản đúng thì thực phẩm vẫn tươi ngon. Ngược lại, nếu không được bảo quản đúng cách, thực phẩm bị ôi thiu sẽ rất nguy hiểm cho người dùng. Vì thế, người dân nên hạn chế dự trữ thực phẩm. Trong trường hợp không có tủ lạnh thì cần nấu chín kỹ thực phẩm và mỗi lần ăn lấy ra một chút, trước khi ăn phải nấu kỹ lại và chỉ bảo quản từ 2 – 3 ngày trong điều kiện thời tiết lạnh. Cần để riêng thịt sống và thức ăn chín để tránh lây nhiễm.

Nhiều gia đình ở làng quê hay khu phố ở thành phố vẫn có thói quen chung nhau giết lợn làm giò, gói bánh và ăn tiết canh… nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Món tiết canh không được nấu chín mà ăn sống là mầm mống gây nên dễ gây các bệnh như tiêu chảy cấp, ngộ độc thức phẩm… Đặc biệt, bệnh liên cầu do vi khuẩn liên cầu lợn gây bệnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết, truyền bệnh giun sán… thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, rượu, bia là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, nếu uống quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì nguy cơ đến sức khỏe không hề nhỏ; ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường... Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.

Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong dịp Tết, để Tết thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần thì mỗi chúng ta cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình: Cần duy trì ăn uống đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.

Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng. Có thể gây bệnh trầm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong. Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do thiếu vệ sinh, dễ gặp vào dịp tết. Mọi người nên duy trì một số thói quen đơn giản giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Đó là: Thường xuyên rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chuẩn bị bữa ăn. Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín. Nấu chín kỹ thức ăn. Chỉ dùng nước sạch và thực phẩm an toàn (bạn nên tìm mua thực phẩm tại các cửa hàng quen, tin cậy, các sản phẩm có thương hiệu, tên tuổi).

An toàn giao thông cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm trong ngày tết. Hầu hết tất cả các ca tử vong và thương tích đều có thể phòng tránh được. Vì thế, hãy đội mũ bảo hiểm chất lượng cao, cài quai đúng hướng dẫn là cách duy nhất và có hiệu quả nhất trong việc giảm thương tích đầu và tử vong do va chạm xe máy gây ra. Đồng thời hãy luôn ghi nhớ, đừng bao giờ lái xe sau khi uống rượu bia. Lái xe máy hoặc ô tô sau khi uống rượu bia (ngay cả chỉ một lượng rất nhỏ) làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra va chạm giao thông đường bộ.

Ngoài ra, chỉ cần 15 phút tập mỗi ngày trong suốt những ngày nghỉ, chúng ta sẽ cảm thấy thật khỏe khoắn để bắt tay vào những dự định cho năm mới. Hy vọng mọi người, mọi nhà sẽ tràn đầy sức khỏe để đón Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần./.

Bài: Lê Ngân, BBT