An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Thực hiện luật Phòng, chống tác hại của thuốc vẫn còn nhiều nan giải
02:22 | 29/05/2013 Print   E-mail    

 

            Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, quy định địa điểm cấm hút thuốc lá tại các cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao, phương tiện giao thông công cộng... nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, những nơi bị cấm này khói thuốc lá vẫn bay tràn lan. Đến nay, Luật đã được triển khai gần 1 tháng, nhưng thực tế việc chấp hành Luật ở người dân gần như không có tác dụng. Làm thế nào để Luật thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn là một câu hỏi khó, nhất là việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
 
 
               Có mặt tại Bệnh viện Lê Lợi, phóng viên nhận thấy tình trạng người dân hút thuốc vẫn khá phổ biến. Trong số hàng trăm bệnh nhân đang mệt mỏi chờ đợi khám bệnh, thỉnh thoảng lại có vài người hồn nhiên “nhả khói”. Khi được hỏi vì sao vẫn hút thuốc lá trong khi có biển cấm, anh Quang (phường 2) trả lời: Chờ đợi ở bệnh viện cả nửa ngày trời, không có việc gì làm nên hút điếu thuốc cho thời gian trôi nhanh. Quy định cấm hút thuốc lá anh có nghe nhắc tới, nhưng cũng không để tâm nhiều vì đó là thói quen khó bỏ. Bên cạnh đó, anh hút cũng không thấy ai nhắc nhở hay cấm đoán gì. Có mặt trong đám đông bệnh nhân tại đây, nhiều người bệnh cũng tỏ ra khó chịu vì khói thuốc lá, nhưng họ cũng không dám nhắc nhở. Một bệnh nhân bức xúc: Phải chịu đựng khói thuốc lá trong hoàn cảnh oi bức, nắng nóng cộng với tâm lý thấp thỏm đi khám bệnh thực sự quá mệt mỏi.
 
                Dạo quanh một vòng quanh bệnh viện, phóng viên nhận thấy ngay trong phòng dành cho bệnh nhân, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà hút thuốc. Theo nhiều người dân đang nằm điều trị tại bệnh viện thì tình trạng hút thuốc lá không có nhiều cải thiện so với thời điểm khi Luật chưa có hiệu lực. Theo một bệnh nhân cho biết: ở bệnh viện rất hiếm nhìn thấy y bác sĩ hút thuốc lá nhưng người nhà bệnh nhân thì hút rất nhiều và khó cấm được vì người bệnh luân chuyển liên tục.
 
               Phóng viên tiếp tục đi tìm hiểu tại một số cơ quan, đơn vị, bến xe, điểm chờ xe buýt, quán cafe… tuy nhiên có thể nhận thấy một tình trạng chung: hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên. Anh Hoàng - một hành khách cho biết: Tôi cũng nghe hút thuốc nơi công cộng sẽ bị phạt, nhưng mình ngồi chờ xe thế này không hút thuốc đốt thời gian thấy sốt ruột lắm. Với lại, chỉ mất 1 - 2 phút để hút hết điếu thuốc, ai rỗi hơi mà giám sát rồi bắt phạt ??? 
 
            Tại các cửa hàng bán lẻ bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá trên địa bàn thành phố, khi được hỏi về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, hầu hết chủ quầy đều lắc đầu. Khi phóng viên đề cập đến quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi được nêu trong Luật, chị Hồng, chủ một cửa hàng trên đường Ba Cu trả lời: Ai đến mua thì mình bán chứ chẳng lẽ đòi trình chứng minh nhân dân xem có đủ 18 tuổi hay không?. Bán hàng kiểu đó thì mất hết khách. Cùng chung quan điểm như chị Hồng, chị Lan, bán hàng ngay cổng Bệnh viện Lê Lợi cho biết: Đúng là không nên hút thuốc lá nơi công cộng, nhất là trong bệnh viện. Nhưng chúng tôi làm ăn buôn bán nhỏ lẻ, không thể có khách hỏi mua mà không bán được. Hơn nữa, nhiều lúc đông khách còn chả kịp nhìn mặt chứ nói gì đến chuyện xem người ta đã đủ 18 tuổi hay chưa. Khi đề cập đến việc sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng nếu cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, đa số người bán hàng đều trả lời “Cứ từ từ chờ xem các cơ quan chức năng xử lý thế nào rồi tính tiếp”. 
 
            Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng nếu cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không bố trí treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; để xảy ra hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá do mình quản lý, điều hành...Cũng theo quy định, các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương; cơ quan Quản lý thị trường, Công an và UBND các cấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Luật vẫn chưa quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng cơ quan trong việc xử phạt, dẫn đến thực trạng “cha chung không ai khóc”. Nếu người dân vẫn hút thuốc lá ở những nơi cấm theo luật định thì vẫn không có cách nào xử lý hay xử phạt do lực lượng thanh tra y tế vừa ít vừa mỏng. Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường và lực lượng công an, không phải lúc nào cũng tổ chức lực lượng đi phạt người hút thuốc.
 
            Theo nhiều chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân làm cho việc chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của người dân vẫn còn kém là do nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá còn thấp và do thói quen hút thuốc lá của đại đa số người dân. Do đó, để luật thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc áp dụng chế tài xử phạt nghiêm người vi phạm thì việc tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, đặc biệt là tuyên truyền luật phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng các hình thức như phát tờ rơi, dùng loa phóng thanh… là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để người dân tự nhận thấy tác hại của thuốc lá và những hành vi liên quan đến thuốc lá, từ đó tự điều chỉnh hành vi của mình, nhất là ở những nơi công cộng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục phát động phong trào "Môi trường làm việc không khói thuốc lá", đưa nội dung này vào chỉ tiêu thi đua hàng năm để cán bộ, công chức, viên chức cùng tham gia thực hiện.
Vũng Tàu phấn đấu xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc
 
             Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe như: Ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và nhiều bệnh khác... Mỗi năm nước ta có 40.000 người tử vong vì những bệnh có liên quan đến thuốc lá. Và Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 47,7% nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá. Khói thuốc lá gây nguy hiểm cho cả người hút thuốc và những người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc lá. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội, làm lãng phí thời gian lao động và làm tăng nguy cơ cháy nổ; làm giảm văn minh nơi công sở và nơi công cộng. Chính vì vậy, mỗi người dân Thành phố Vũng Tàu đang sử dụng thuốc lá hãy chủ động bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng, để Vũng Tàu trở thành Thành phố Du lịch không khói thuốc lá.
                                                                                                              
   Bài,ảnh: Dung Đoàn
                                                                                                                              BBT.