Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Thú vui mua sắm hàng “si”
11:14 | 28/11/2014 Print   E-mail    

Vài năm gần đây, xu hướng mua sắm hàng “si” tại TP. Vũng Tàu đã trở nên nhộn nhịp hơn bởi hàng “si” không chỉ giá rẻ mà nếu chịu khó “săn” sẽ gặp những món hàng đẹp và độc đáo. Tuy nhiên, hàng “si” cũng tiềm ẩn những nguy cơ lây bệnh, đặc biệt là các bệnh ngoài da.

RẺ - ĐỘC - ĐẸP
 
Hàng “si” cách gọi ngắn gọn dành cho những mặt hàng như quần áo, giày dép, túi xách… đã qua sử dụng. Trước đây, người dùng hàng “si” thường là những người có thu nhập thấp vì giá các mặt hàng này thường rẻ hơn nhiều so với hàng mới. Nhưng ngày nay, quan niệm về hàng “si” đã khác, không chỉ những người có thu nhập thấp mới tìm đến hàng “si”, đây còn là mặt hàng được nhiều bạn trẻ cá tính lựa chọn. Tại một điểm bán hàng “si” trên đường Đoàn Thị Điểm (phường 4, TP. Vũng Tàu), không khí mua bán nhộn nhịp từ sáng sớm nhờ có lượng khách hàng là các bà, các chị thường đi chợ Cô Giang ghé qua mua. Các mặt hàng “si” ở đây khá phong phú từ quần áo, nón mũ đến bao tay, khẩu trang được đổ đống dưới nền xi măng, khách hàng cứ thế tha hồ đào bới, chọn lựa... Sau một hồi lục tung đống quần áo ở đây, chị Nguyễn Thị Nguyệt (nhà ở hẻm 60 đường Lê Hồng Phong, phường 4) vui mừng khi tìm được một cái váy có hoa tiết lạ mắt. Lật cái mác còn nguyên nơi cổ áo, chị Nguyệt nói với người bạn đi cùng: “Cái này là hàng của Mỹ lận đó”. Chị Nguyệt đứng lên ướm thử chiếc váy lên người và tỏ vẻ hài lòng.
 
Tại TP. Vũng Tàu, điểm bán hàng “si” sầm uất nhất phải kể đến những tuyến đường Lê Quý Đôn và Nguyễn Văn Trỗi với hàng chục cửa hàng bày bán đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách thậm chí các loại đồ ngủ, đồ lót... Tại cửa hàng “si” B.T trên đường Nguyễn Văn Trỗi, có đến hàng ngàn sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, bóp ví… được người bán hàng giới thiệu là hàng của các nước Mỹ, Đức, Pháp, Singapore, Nhật Bản nhưng nhiều nhất là các mặt hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc. Có loại được treo ngay ngắn trên móc, có loại đổ đống dưới nền nhà. Nhưng có một điểm chung đó là các mặt hàng cũ sau khi mua về được người bán “tút tát” lại cho sạch, đẹp và phân loại ra nào là áo khoác, áo sơ mi, áo thun nào là quần jeans, quần sooc, nào là đồ người lớn, trẻ em… để khách hàng thuận tiện lựa chọn. Giá các mặt hàng ở đây chênh nhau khá nhiều. Có những sản phẩm chỉ có giá 3.000 - 5.000 đồng/cái nhưng cũng có những chiếc váy, áo đẹp có giá bán 200.000-300.000 đồng/cái. Những sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng như D&G, Converse all star, Nike, Just cavalli, Adidas có khi “đội” giá lên đến hàng triệu đồng. Chị bán hàng ở đây cho biết, người mua thường chuộng hàng “si” có xuất xứ từ các nước châu Á hơn vì kích cỡ, kiểu dáng và chất vải phù hợp; còn những hàng có xuất xứ từ các nước phương Tây khó mặc hơn, do lệch khổ người.
 
Các mặt hàng "si" đa dạng từ quần áo đến các loại phụ kiện như giấy dép, túi xách được bày bán tại
một cửa hàng trên đường Lê Quý Đôn, TP. Vũng Tàu

NHƯNG PHẢI CẨN THẬN
 
Ngày nay, hàng “si” rất phong phú, từ quần áo, giày dép, túi xách, dây nịt, mắt kính đến đồ lót, đồ tắm… Dù là hàng đã qua sử dụng, nhưng vì lạ, “không đụng hàng” và giá nhiều mặt hàng hấp dẫn nên rất hút khách. Tuy nhiên, để có được những món đồ hàng “si” chất lượng, giá hời không phải dễ. Theo quan sát của chúng tôi, các điểm bán hàng “si” thường phân loại từ trên xuống dưới theo độ mới, theo hiệu, lẫn độ độc – đẹp để “nhìn mặt đặt tên” với người mua hàng. Do đó, không ít món hàng tuy mang tiếng “hàng si” nhưng giá không thua gì hàng mới, thậm chí hơn nếu chúng mang những thương hiệu thuộc phổ biến tại Việt Nam. Vì có giá nên không ít cửa hàng bán hàng “si” thường độn hàng khác để bán xen kẽ. Hàng độn thường là hàng chợ sản xuất trong nước hoặc hàng xuất khẩu bị lỗi nên giá thành cũng hấp dẫn không kém khiến người mua dễ bị nhầm. Mặc dù đã có kinh nghiệm “săn” hàng “si”, nhưng chị Kiều Thanh Thủy (212 H12 Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu) cho biết, chị đã nhiều lần mua lầm những chiếc quần, áo bị dính màu, giặt thuốc tẩy cũng không hết. Nhưng để mua được đúng hàng “xịn” phải chịu khó săn lùng và chấp nhận hên - xui. Chị Lê Thị Thúy Liễu, một dân chuyên mua hàng “si” khác cho biết, để mua đúng hàng “si” tức hàng cũ nhập về từ nước ngoài, đòi hỏi người mua phải có kinh nghiệm về hàng “si” và may mắn, vì không phải lúc nào cũng vớ được đồ tốt, giá rẻ. Thường thì dân đánh hàng si theo ký hoặc theo thùng. Giá tiền do người bán nhìn mặt mà rao, vừa mặt hàng vừa mặt khách. Ăn mặc sang trọng, lựa chọn kiêng khem cũng là nguyên nhân khiến người bán “chém đẹp”.
 
Không chỉ về vấn đề chất lượng, mức độ mới - cũ, hàng “si” còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về các bệnh da liễu. Điều đáng nói, mặt hàng đồ tắm, đồ lót “si” được khách hàng nữ chọn lựa nhiều, nhưng hầu như phần lớn chị em chỉ để ý đến kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, kích cỡ mà ít ai quan tâm liệu chủ nhân trước của những món đồ này có mắc bệnh gì, hàng có được khử trùng, mặc bó sát vào da có nguy cơ nhiễm bệnh không? Trong khi đó, đa số khách hàng mua đồ “si” đều suy nghĩ đơn giản: mua hàng về, cho vào máy giặt, ngâm nước xả vải thơm tho là có thể vận lên người. Theo bác sĩ da liễu, người mặc hàng si có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh như nấm bẹn, nấm thân, lang ben, nấm đồng tiền…
 
Bài, ảnh: Nguyệt Cát
BBT.