Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Tin nhắn rác làm phiền người sử dụng điện thoại
06:41 | 01/11/2014 Print   E-mail    

 
Nghị định 77/2012 của Chính phủ về phòng chống thư rác có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 nhằm ràng buộc trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) và các nhà mạng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác. Vậy nhưng, hiện nay người dùng điện thoại di động vẫn đang phải sống chung với tin nhắn rác.
 
Một mẫu tin nhắn rác gửi tới người sử dụng ĐTDD
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, tin nhắn rác ngày càng biến tướng và phức tạp từ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ; đến những tin nhắn mời coi bói, tham gia vào các trò cờ bạc lô đề; tin nhắn có nội dung dụ thuê bao tới những đường link sex; chưa kể là tin nhắn lừa đảo dưới dạng mời gọi khách hàng tham gia nhắn tin để trúng thưởng, tải nội dung để trừ nhiều tiền trong tài khoản thuê bao di động… Tin nhắn rác còn được sử dụng là công cụ để đối tượng xấu chọc ghẹo, đe dọa, khủng bố.
 
Theo phân tích của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, hình thức phát tán tin nhắn rác qua wap push không làm lộ đầu số nhắn tin nên nhà mạng khó phát hiện để xử lý. Còn người nhận khi truy cập vào mạng bằng điện thoại sẽ bị trừ tiền trong tài khoản. Vì vậy, đối tượng phát tán tin nhắn rác qua wap push thường đưa link các website chứa nội dung đồi trụy, game… để dẫn dụ người dùng. Các tin nhắn trên phát tán vào nhiều giờ khác nhau, nhất là vào thời điểm nghỉ ngơi đã gây bức xúc, phản cảm cho người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, nhân viên ngân hàng Navibank cho biết, thời gian nghỉ trưa của chị rất ít (chỉ khoảng 10 phút) nhưng nhiều hôm bị tin nhắn rác quấy rầy khiến chị không ngủ được. Đó là chưa kể, có những nội dung tin nhắn nếu người yêu xem được rất dễ dẫn đến hiểu nhầm… Không chỉ chị Hằng mà rất nhiều người dùng ĐTDĐ của các mạng viễn thông khác nhau đều phàn nàn vị bị tin nhắn rác tấn công, làm phiền.
 
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2012 về phòng chống thư rác nhằm ràng buộc trách nhiệm của các CSP và các nhà mạng để ngăn chặn nạn tin nhắn rác tấn công người dùng ĐTDD. Theo đó, các CSP chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý trước đó của người nhận; không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận… Từ đó, Vinaphone đã xây dựng và triển khai phần mềm chặn tin nhắn rác (anti-spam), hệ thống báo cáo online spam, hệ thống phát hiện tin nhắn spam từ sim trả trước, thực hiện ngừng kết nối hàng loạt đầu số 1900 nhắn tin rác. Vinaphone đang nghiên cứu xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn hình thức spam bằng đường link wappush, đồng thời “mạnh tay” với các doanh nghiệp CSP như khóa cú pháp 70 CSP, tạm khóa hoặc cắt kết nối với 60 CSP, thu hồi đầu số của 4 CSP…
 
Đại diện MobiFone BR-VT cho hay, thực hiện Nghị định 77, MobiFone chỉ gửi những tin nhắn quảng cáo đến ĐTDĐ khi được sự đồng ý của khách hàng. Bên cạnh đó, mạng MobiFone cũng khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước khi thực hiện cuộc gọi đến số thuê bao gọi nhỡ hoặc tin nhắn trúng thưởng vào máy mình nhằm tránh phát sinh cước cao ngoài ý muốn. Ngoài ra, MobiFone cũng tăng cường quản lý các sim thuê bao trả trước theo Thông tư 04/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông… Cùng với Vinaphone, MobiFone, Viettel cũng khẳng định đã xây dựng các hệ thống chặn tin nhắn rác, khóa đầu số các CSP cung cấp nội dung vi phạm và chấp nhận giảm doanh thu để kiên quyết xử lý tin nhắn rác. Tuy nhiên, tin nhắn rác đến nay vẫn là vấn nạn của người sử dụng ĐTDĐ nhưng chưa được xử lý triệt để.
 
Bà Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Bưu chính – Viễn thông (sở Thông tin và truyền thông tỉnh) cho biết, về phía cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, sở đã đề nghị các nhà mạng triển khai các giải pháp chặn tin nhắn rác nhằm tôn trọng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng… Bà Dương cho biết thêm, cảnh báo cho người dùng, xử phạt với người phát tán tin rác là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, đây chưa phải là biện pháp căn cơ để dẹp tin nhắn rác, bởi tin nhắn rác sẽ tiếp tục tồn tại và gây phiền phức cho người dùng di động nếu tình trạng thuê bao ảo và thị trường sim số đã kích hoạt sẵn vẫn chưa chấm dứt.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.