Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Giữ gìn nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam
09:50 | 05/03/2020 Print   E-mail    

Kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2020)  

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam

-------------

Áo dài từ lâu vẫn luôn là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được phụ nữ Việt trân trọng và gìn giữ như một bảo vật cần được trân quý. Có thể nói, ở đâu có người phụ nữ Việt là ở đó thấp thoáng bóng dáng tà áo dài. Áo dài Việt không chỉ là một trang phục mà còn được nâng lên thành biểu tượng cho văn hóa, cho nét đẹp truyền thống ngàn đời của mỗi người con đất Việt. Nhìn tà áo dài cũng giống như đang nhìn thấy bóng hình dân tộc ẩn sâu trong đó.

(Hình minh họa) 

Chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2020), tuần lễ mặc áo dài được Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động trên toàn quốc từ ngày 02/3 đến 06/3/2020 đã và đang khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc trang phục áo dài trong các hội nghị, sự kiện của quê hương, đất nước và trong các sự kiện của gia đình, cộng đồng; vận động mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, thuận tiện, an toàn lao động nhằm lan tỏa vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống tại nơi làm việc và nơi sinh sống. Bên cạnh đó, nhằm tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, tôn vinh vẻ đẹp và vai trò của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa áo dài Việt Nam trong mỗi phụ nữ, người dân, hướng tới đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Có thể thấy rằng, trong cuộc sống ngày hôm nay, dẫu rằng có nhiều các loại trang phục khác nhau để ta lựa chọn, thế nhưng áo dài vẫn là một trong những trang phục được ưa thích. Bởi tính đơn giản, mang vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, tính cá nhân hóa, lại là loại trang phục sử dụng được trong nhiều trường hợp từ thông thường như đi học, đi chơi, đến các trường hợp trang trọng ví như dự tiệc, lễ lộc, trong việc cưới xin. Không chỉ vậy áo dài còn là biểu tượng cho truyền thống văn hóa của người Việt, đại diện cho bản sắc của cả một dân tộc, chính vì thế trong các dịp trọng đại của quốc gia, trong các cuộc thi, các chương trình, sự kiện áo dài đã trở thành trang phục chính của những người tham gia, để quảng bá, tôn vinh nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với thế giới. Nét đẹp của áo dài không chỉ nằm trong đời sống mà nó còn nhiều lần đi vào thơ văn, tác phẩm nghệ thuật với vai trò là đề tài chính hoặc là chất liệu độc đáo làm cho các tác phẩm thêm phần độc đáo, mang tính dân tộc rõ nét. Trong giới thời trang, tà áo dài cũng là một trong những đối tượng được các nhà thiết kế thời trang để tâm thiết kế, cách điệu để cho ra các bộ sưu tập độc đáo, mới lạ, vừa sáng tạo nhưng vẫn giữ lại những nét truyền thống trên tà áo, tôn vinh vẻ đẹp của cả người mặc và tà áo. 

Và rồi trong ngày Tết hay lễ hội quê hương, đám cưới hay những buổi lên chùa của các bà, các mẹ, các chị, chiếc áo dài nâu, hồng, đỏ... là một cách biểu hiện tấm lòng thành kính gửi đến cửa thiền một lòng siêu thoát, tôn nghiêm. Áo dài là một trang phục đặc biệt, hình như nó có cách riêng để tôn lên vẻ đẹp mọi thân hình. Chiếc áo dài hiện đại vì vậy mang tính cá nhân hóa rất cao: mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa nhỏ nữa mới hoàn thiện. Vì vậy, muốn sở hữu một chiếc áo dài có thể tôn lên vẻ đẹp của mình thì phải may đúng số đo bản thân. Một điều cần hết sức chú ý đó là cần bảo quản chiếc áo dài thật tỉ mỉ vì vải áo dài rất dễ bị tổn thương nên khi giặt hay mặc cần hết sức cẩn thận và trân trọng. Ngày nay trong muôn vàn sự cách tân về trang phục, váy đầm, áo ngắn, áo thời trang... chiếc áo dài Việt Nam vẫn chiếm độc tôn về bản sắc dân tộc, mang theo phong cách và tâm hồn người Việt đến với năm châu.

Hiện nay, tuy nước ta đã theo nhiều trào lưu y phục phương Tây nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn không quên giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài. Trong vài thập niên gần đây, tà áo dài đã là đồng phục quy định của nhiều công sở và trường học. Với những loại vải quý phái, chất liệu đặc biệt như tơ tằm, lụa với màu sắc lộng lẫy hoặc nhu hòa, chiếc áo dài làm tăng thêm vẻ sang trọng và tươi đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.

Để thực hiện quy định về giờ giấc làm việc và trang phục công sở cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, thời gian qua, thành phố Vũng Tàu cũng đã phát động trong Nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng mặc trang phục áo dài. Cụ thể, đối với Nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã trực thuộc thành phố quy định mặc áo dài vào ngày Thứ 2 và ngày Thứ 5 hàng tuần; trong các Hội nghị, sự kiện, các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, của Hội, của địa phương, đơn vị.

Dẫu thời đại nào đi chăng nữa thì áo dài Việt mãi là biểu tượng, là nét đẹp trong văn hóa của dân tộc, là di sản văn hóa vật thể cần được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ. Với nhiều người, người phụ nữ Việt Nam ở trong trang phục áo dài vẫn là những người phụ nữ đẹp, duyên dáng và hấp dẫn nhất. Bởi ở họ toát lên những vẻ đẹp yểu điệu, thướt ma vừa hiện đại nhưng cũng có cái gì đó vừa e ấp, vừa chất chứa những nét truyền thống đặc biệt của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc./.

Bài: Lê Ngân, BBT