Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh.
08:11 | 02/09/2019 Print   E-mail    

Nhà văn M.Gorki đã nói rằng: "Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà mỗi khi bước lên, tôi tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất". Sách là người bạn quý của mỗi con người. Thuở ấu thơ, đọc truyện cổ tích, ta đắm chìm trong thế giới của những phép màu diệu kì. Tuổi đến trường, sách giúp ta mở mang thêm bao kiến thức, hoàn thiện những kĩ năng cần thiết. Ngày nay, từng trang sách đang ngày càng xa chúng ta bởi Ipad, bởi các trò chơi điện tử. Việc hình thành văn hoá đọc ở trường học vì thế càng trở nên cần thiết. Trước tình trạng học sinh dần quên những cuốn sách mà tìm đến các phương tiện hiện đại như mạng internet, điện thoại thông minh…, nhiều trường học tại thành phố Vũng Tàu đã và đang xây dựng mô hình thư viện mở, thư viện xanh với không gian đọc sách thoáng mát giúp học sinh, giáo viên thoải mái hơn trong việc mượn, đọc sách.

Các em học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh hăng say trong giờ đọc sách 

Để hình thành thói quen đọc sách cho các em học sinh, ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố cần có giải pháp thực tế để việc đọc sách không phải là theo phong trào nhất thời mà là hoạt động vì nhu cầu, lợi ích tự thân của các em, trước tiên là trong môi trường trường học. Năm học 2019-2020, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã bố trí để việc đọc sách như là hoạt động trong thời khóa biểu chính khóa, ở đó các em được thầy cô hướng dẫn việc đọc. Nội dung đọc, chủ đề loại sách cần đọc nên gắn liền hoạt động học tập của học sinh để tạo hứng thú, mang lại lợi ích của việc đọc trong các em.

Theo tìm hiểu, tại một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Vũng Tàu thì: Để tạo thói quen và rèn luyện ý thức đọc sách cho các em học sinh, nhiều nhà trường đã triển khai xây dựng góc thư viện trong mỗi lớp học, tranh thủ giờ ra chơi, đầu giờ học các em học sinh có thể tranh thủ đọc được. Bên cạnh đó, nhiều trường đã đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của học sinh. Các nhà trường đều xác định rằng, đọc sách là nhu cầu của tất cả mọi người là nhu cầu cần thiết đối với mỗi em học sinh, sách không chỉ giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết về kho tàng tri thức của nhân loại mà còn hình thành ở các em những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Đối với các em học sinh Tiểu học, ở giai đoạn đang hình thành thói quen, nhân cách thì việc đọc sách lại càng có một ý nghĩa quan trọng. Ngày nay, internet ngày càng phát triển việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn. Bởi vậy mà nhiều người nghĩ việc đọc sách đã không còn thu hút học sinh như trước kia nữa. Tuy nhiên tìm hiểu tại một số trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Vũng Tàu cho thấy vẫn còn khá nhiều học sinh đọc sách, truyện tại thư viện trường học. Điều đó cho thấy quan trọng là các trường đã triển khai như thế nào để thu hút học sinh tham gia đọc sách.

Để khuyến khích học sinh đọc sách, các nhà trường trên địa bàn thành phố Vũng Tàu tùy vào điều kiện thực tế của mình đã xây dựng các mô hình thư viện, từ thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện lớp học… đến các thư viện trong nhà trường theo quy định, từ đó khuyến khích học sinh ham mê đọc sách, không chỉ cho các em những kiến thức phong phú, phục vụ thiết thực việc học tập mà còn góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường. Những giải pháp này có thể hình thành cho học sinh kỹ năng quan trọng trong học tập, hình thành văn hóa đọc thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh cũng như góp phần định hướng học sinh trong việc tiếp cận các tài liệu, văn hóa phẩm, giúp các em hình thành kỹ năng đọc, tạo “bộ lọc” nhận diện những thông tin độc hại, phản khoa học, vẫn hay xuất hiện trên mạng internet

Giờ đọc sách của các em học sinh Trường THCS Thắng Nhất 

Theo cô Dương Thị Lam – giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Ngô Sĩ Liên thành phố Vũng Tàu thì: “Có sách trong thư viện đã khó, làm sao cho học sinh say mê đọc sách lại càng khó hơn. Việc đọc sách với trẻ nhỏ phải được bắt đầu từ sự hứng thú và tâm thế sẵn sàng, tự nguyện. Thể loại sách đa dạng, gần gũi với các môn học tập, hình thức tổ chức đa dạng trong không gian mở hấp dẫn và thoải mái. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải là một tấm gương về tinh thần ham đọc sách, là người truyền cảm hứng đến với trẻ và biến những cuốn sách thực sự trở thành người bạn của trẻ ở trường. Mô hình Thư viện xanh là một trong những tiêu chí trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Em Nguyễn Thanh Hà, học sinh Trường THCS Thắng Nhất thành phố Vũng Tàu cho biết: Vào các giờ ra chơi hoặc khi đến trường sớm, em và các bạn rất thích đọc sách hoặc truyện thiếu nhi ở các giá sách tại thư viện trường. Những cuốn sách được xếp theo các chủ đề nên rất dễ tìm và dễ đọc. Khi cùng nhau đọc sách, chúng em còn trao đổi với nhau về những cuốn sách, bài báo hay, nhất là những gương về các bạn đội viên học giỏi, hát hay để học tập, noi theo.

Theo lãnh đạo Phòng giáo dục và đào tạo thành phố Vũng Tàu thì: Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện” tới các trường học trên địa bàn. Cùng với đó tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện các nhà trường để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả, tạo hứng thú và thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách, báo. Tuy nhiên, để các thư viện trong các trường ngày càng phát huy tác dụng, thu hút các em học sinh tham gia, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học, rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh học sinh, đưa các thư viện vào hoạt động hiệu quả, theo đúng vai trò, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách, báo, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường./.

 

                                                                                  Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

 

Các bài mới hơn
Các bài cũ hơn