Tin du lịch Tin du lịch
Chú trọng việc huấn luyện để duy trì chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cấp cứu viên tại thành phố Vũng Tàu
08:19 | 05/08/2019 Print   E-mail    

Cứ mỗi khi đến với biển tại Bãi Sau Vũng Tàu, khách du lịch sẽ ấn tượng hình ảnh của những người luôn dõi theo khách du lịch tắm biển, dự đoán dòng nước thuận lợi hay ao xoáy để cảnh báo cho khách, họ là những cấp cứu viên, cứu hộ thuộc Ban quản lý các khu du lịch, các bãi tắm trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Đối với cấp cứu viên, mặc cho ánh nắng oi ả của mùa hè, làn gió lạnh mùa đông, hay những khi thời tiết thay đổi thất thường, công việc thường nhật của các anh vẫn đều đặn diễn ra từ 6 giờ sáng đến 18giờ hàng ngày.

Việc cứu hộ cứu nạn trên biển chủ yếu dựa vào sức người là chính và không phải cứ phát hiện người bị nạn và bơi ra đưa người bị nạn vào là được, trong những trường hợp đặc biệt, nếu không có kinh nghiệm, không có chuyên môn nghiệp vụ và không nhanh trong việc xử lý tình huống có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân người cứu hộ. Do vậy việc trang bị những kiến thức cơ bản về cứu nạn, rèn luyện thể lực, đưa nhiều trường hợp tình huống giả định, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ về bơi cứu vớt nạn nhân cho đội ngũ cấp cứu là mục đích mà Ban quản lý các khu du lịch tổ chức huấn luyện hàng năm.

Thực hành hà hơi thổi ngạt cứu người bị đuối nước

Ông Phạm Khắn Tộ, Giám đốc Ban quản lý các Khu du lịch cho biết: Trong các chức năng nhiệm vụ mà Ban quản lý các khu du lịch được giao, việc tổ chức huấn luyện cho lực lượng cứu hộ được xem là công việc thường xuyên, hàng năm, và việc tổ chức huấn luyện tại Ban quản lý các khu du lịch thành phố Vũng Tàu được ngành du lịch địa phương đánh giá cao. Để trở thành cấp cứu viên phải có sức khỏe tốt, ngoài việc phải trải qua khóa đào tạo huấn luyện về nghiệp vụ cứu hộ và hàng năm phải bồi dưỡng kỹ năng, rèn luyện thể lực. Mỗi năm lực lượng cứu hộ được huấn luyện trong khoảng thời gian là 6 tuần, mỗi ngày trong 2 giờ đồng hồ buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu, nội dung tập huấn chú trọng vào việc rèn luyện thể lực trên bộ, dưới nước; huấn luyện cấp cứu bằng hình thức bơi, vớt nạn nhân trên biển, huấn luyện hồi sức, và năm 2019 này đang tổ chức huấn luyện cho 52 cấp cứu viên, trong đó BQL các khu du lịch 21 người các đơn vị khác gửi đến 31 người, ông Tộ cho biết thêm.

Trong các năm qua, việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch tắm biển được lực lượng cứu hộ thực hiện rất tốt, với một lượng khách du lịch đến tắm biển Vũng Tàu đông, thời tiết nhiều lúc không thuận lợi, nhưng đã đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có trường hợp nào bị đuối nước. Trong dịp tết Nguyên đán năm 2019, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã gửi thư khen và tặng thưởng, ghi nhận sự nỗ lực của lực lượng cấp cứu bờ biển.  

Ban huấn luyện cấp cứu thủy nạn của BQL các KDL năm 2019

Khi đề cập đến công việc cứu hộ giúp du khách không may bị vào ao xoáy, anh Nguyễn Văn Thoản, cấp cứu viên đài cấp cứu số 2 cho hay:  Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra lực lượng cứu hộ thường xuyên nhắc nhở du khách tắm biển ở nơi an toàn nhất là vào những ngày cao điểm du lịch, đôi khi, lực lượng cứu hộ không nhận được sự hợp tác của một vài du khách, nhưng với đạo đức nghề nghiệp cấp cứu viên sẵn sàng cấp cứu kịp thời khi phát hiện tín hiệu kêu cứu.

Với tinh thần trách nhiệm của mình, hàng năm lực lượng cứu hộ tại Vũng Tàu đã kịp thời cứu vớt hàng trăm trường hợp lọt ao xoáy, lật phao hay phao trôi. Có thể nói công việc cứu hộ thật thầm lặng nhưng lại mang một ý nghĩa nhân văn cao cả đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch trong thời gian tắm biển và tạo niềm vui trọn vẹn trong hành trình du lịch của du khách, cũng như góp một điểm sáng vào thương hiệu du lịch biển Vũng Tàu, họ xứng đáng được khen ngợi, biểu dương và quan trọng là phải được bồi dưỡng nghiệp vụ, đảm bảo kinh phí để gắn bó với nghề cứu hộ, bảo vệ an toàn cho khách tắm biển./.

Bài, ảnh: Lại Giang, BBT