Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Khai thác viên đài thông tin duyên hải: công việc thầm lặng
12:47 | 13/09/2014 Print   E-mail    

 
Đài thông tin duyên hải Vũng Tàu (Vung Tau Radio) nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng trong khu đồi Ngọc Tước, có lẽ ít ai biết đến sự tồn tại của đài.
 
 
Tiếp chúng tôi với nụ cười đôn hậu, gần gũi anh Phạm Văn Huệ, giám đốc đài chia sẻ: “Với những người không đi biển, ít ai biết đến sự tồn tại của đài cũng như công việc của gần 30 anh chị em cán bộ, công chức ở đây. Các đài duyên hải là cơ  quan công ích trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam. Hiện cả nước có 23 đài TTDH nằm trải dọc bờ  biển từ Móng Cái đến Cà Mau, trong đó có 19 đài thực hiện chế độ trực canh. Các đài này làm nhiệm vụ cung cấp các loại thông tin phục vụ hàng hải như: Thông tin cấp cứu – cứu nạn: Trực canh 24/24h trên tần số 7903 kHz để tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu khẩn cấp trên biển; Thông tin an toàn hàng hải: Phát quảng bá các bản tin dự báo thời tiết biển, áp thấp nhiệt đới, báo bão, động đất, cảnh báo sóng thần, khu vực hạn chế trên biển cũng như hướng dẫn các tàu cá cách phòng và trú bão trên tần số 7906 kHz, kênh 16 VHF. Ngoài ra, các đài còn thực hiện các chương trình thông tin duyên hải (phát sóng trên tần số 8294 kHz) và phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của bà con ngư dân với đất liền. Trong số các dịch vụ này, thông tin cấp cứu – cứu nạn, thông tin an toàn hàng hải và chương trình thông tin duyên hải được cung cấp miễn phí cho bà con ngư dân, không cần đăng ký sử dụng. Với các phương thức thông tin liên lạc trên biển như: điện thoại, fax, sóng vô tuyến điện, sóng vệ tinh… Đài Thông tin duyên hải Vũng Tàu đang đáp ứng tất cả dịch vụ cấp cứu, tiếp nhận, xử lý các cuộc gọi cấp cứu, khẩn cấp từ tàu thuyền hoặc phương tiện bị nạn trên biển, trong đó, tàu cá đánh bắt xa bờ là đối tượng được quan tâm nhất. Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền vận động để ngư dân trang bị các thiết bị đi biển đồng bộ với tín hiệu thu phát của đài, Vũng Tàu Radio còn tổ chức tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn các chủ ghe biết rõ các tần số trực canh cấp cứu và biết cách liên lạc với hệ thống các đài thông tin duyên hải của Việt Nam. Đối với mỗi ngư dân, từ nhiều năm nay, Vũng Tàu Radio trở thành người bạn đồng hành, thân thiết “.
 
Các  đài TTDH thực hiện chế độ phát sóng với tần suất phát sóng 15 phút/ lần. Trong đó, bản tin thời tiết mỗi đài phát sóng 2 lần/ngày trong những ngày thời tiết bình thường. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, hoặc những thông tin liên quan đến an toàn hàng hải, các đài sẽ tăng thời lượng phát sóng với đài loại 1 là 12 phiên/ngày; đài loại 2 (trong đó có Vũng Tàu Radio) phát 6 phiên/ngày. “Một  nhiệm vụ quan trọng khác đó là thông tin các  cảnh báo hàng hải, hàng ngày, trên các vùng biển, không chỉ có hoạt động của các chuyến tàu mà còn có nhiều sự kiện khác như: tập trận hải quân, khu vực có tàu khảo sát dầu khí, khu vực có các tai nạn xảy ra như tàu cháy, dầu loang… ảnh hưởng trực tiếp đến tàu lưu thông trên biển. Vì vậy, tất cả các thuyền trưởng trên biển đều phải biết các thông tin này để điều khiển tàu di chuyển tránh khu vực nguy hiểm. “Không chỉ cung cấp mà chúng tôi còn làm nhiệm vụ tiếp nhận và phát tán thông tin cho các tàu khi có sự cố xảy ra như cháy nổ, đâm va, cướp biển, hỏng máy, tàu chìm, cấp cứu y tế, tai nạn lao động... Nếu đang đi trên một vùng biển nào đó mà gặp sự cố, các tàu có thể phát tín hiệu trên tần số trực canh cấp cứu 7903 gần nhất báo rõ vị trí tàu bị nạn, mức độ tai nạn, số người trên tàu, tên tàu cũng như dấu hiệu nhận biết trên tần số 7903 kHz hoặc kênh 16. Tùy theo mức độ cũng như tính chất tai nạn, chúng tôi sẽ chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng trong bờ phù hợp như Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực, Bộ đội biên phòng địa phương gần nhất, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn địa phương… Đặc biệt, chúng tôi sẽ phát thông tin cấp cứu đến các tàu đang hoạt động trên biển để tàu nào ở gần nhất sẽ đến ứng cứu trong thời gian nhanh nhất; mặc dù công việc áp lực cao, đòi hỏi giờ giấc nghiêm ngặt, thế nhưng chỉ có chị em nữ đảm nhiệm công việc trong phòng là vì đặc thù đại bộ phận thuyền viên, thủy thủ trên các tàu là nam giới. “Có những chiếc thuyền cá đi biển cả 3-4 tháng; thậm chí các anh chiến sĩ hải quân phải lênh đênh trên biển cả năm trời mới được về đất liền gặp gỡ mọi người. Chung quanh là bao la biển cả, nghe được một giọng nói của chị em phụ nữ dịu dàng, trong trẻo dễ mến mọi người sẽ cảm thấy ấm áp rất nhiều. Chính vì vậy tiêu chí hàng đầu khi tuyển người của chúng tôi  phải là nữ và có giọng nói tốt, dễ nghe và phải vui vẻ”. anh Huệ giám  đốc đài chia sẻ thêm.
 
Dạo một vòng Trụ sở đài chúng tôi dùng lại tại nơi làm việc của các khai thác viên của đài để hiểu thêm về những công việc thầm lặng của các chị, em, phòng khai thác của đài TTDH Vũng Tàu có 9 thành viên, trong đó 1 người làm công tác quản lý, còn lại 8 nhân viên chia ca trực 24/24. Điểm đặc biệt của bộ phận này là cả 9 người đều là các chị em. Vào căn phòng chừng 50m2, tôi như lạc vào một không gian khác với tiếng máy chạy rì rì, tiếng máy dò sóng eo éo thỉnh thoảng lại ré lên nhức óc…Ngồi trong phòng một lúc tôi đã thấy nao nao với cảm giác khó chịu trong người. Nhưng cũng cố gắng để tìm hiểu thêm về công việc của các chị em ở đây, tiếp chúng tôi là chị  Nguyễn Thị Thu Vân, Tổ trưởng tổ Khai thác, giọng nói nhẹ nhàng, nét mặt vui vẻ rất dễ thân thiện, chị chia sẻ: hơn 10 năm gắn bó với nghề  những ngày bình thường thì không sao, nhưng khi có thời tiết xấu hay sự cố, chị em cũng căng thẳng không kém. Mọi người phải liên tục dò sóng, lắng tai hết cỡ để nghe trong tiếng rè rè xem có tiếng yêu cầu nào từ phía các tàu hay không. Nhiều hôm trực ca đêm, mệt quá thì người này canh, người kia tranh thủ gục xuống bàn một lát cho đỡ mệt chứ không ai được rời phòng làm việc. Thậm chí mọi việc gia đình, mọi tâm sự buồn vui cũng phải để hết bên ngoài cánh cửa phòng làm việc vì nhỡ đâu khi mình xao nhãng, có thông tin gì cấp cứu mình phản ứng không kịp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tàu bè đang di chuyển ở ngoài kia.
 
Dù  công việc nhiều áp lực, đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý khi vào ca, nhưng với  chị em làm việc ở đây, được mang hơi ấm đất liền đến với những ngư dân đánh bắt xa bờ hay những người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ bình yên cho biển trời quê hương và đón nhận tình cảm chân thành của những người con của biển, đã là động lực giúp họ gắn bó lâu dài với công việc của mình. Cán bộ nhân viên ở phòng khai thác đài TTDH có thể coi là “điểm tựa” cho thuyền viên trong suốt chuyến hải trình dài
 
Bài, ảnh: Tiến Loan
BBT.