Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Muôn màu sách cũ
09:22 | 17/06/2014 Print   E-mail    

 

 
Giọng của một chàng trai vang lên ngoài cửa tiệm: “Có cuốn Quả bóng tròn Péle không chú?”. Người đàn ông mái tóc hoa râm đang cân mớ sách cũ từ mấy bà bán ve chai đem lại, đứng phắt dậy: “Còn đấy”. Nói rồi, ông vội vã bước vào kệ rút ra cuốn sách cũ mèm, bìa đã rách một phần, giấy ngả màu vàng ố… Hoá ra, trong cuộc sống hiện đại vẫn có nhiều người lang thang khắp phố đi tìm sách cũ.
 
 
Phạm Văn Vĩnh, người đàn ông trạc gần 50 tuổi, chủ tiệm sách cũ Trường Vĩnh (TP. Vũng Tàu) nói cười như thể muốn xích lại gần hơn với khách hàng qua thế giới sách cũ. Từ Thanh Hoá, ông Vĩnh đến Vũng Tàu sinh sống rồi mưu sinh bằng nhiều nghề. Năm 2003, với chút vốn liếng nho nhỏ, ông mở tiệm rồi mua sách cũ từ Sài Gòn, Bình Dương và từ những người đi bán ve chai mang đến. Thỉnh thoảng trong mớ ve chai, ông nhặt được vài cuốn sách văn học kinh điển như: Ruồi trâu, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Ván bài lật ngửa… Ông Vĩnh cho biết, sách của ông bán với giá 10.000-40.000 đồng/kg nhưng có những cuốn không thể mua bằng ký, càng không thể bán bằng cách cân đong. Giá trị của cuốn sách cũng vô chừng lắm. Ông Vĩnh khoe: “Hôm rồi bán được cuốn sách của Vương Hồng Sển với giá 1,2 triệu đồng cho một tay chơi đồ cổ. Còn bình thường thì trung bình mỗi ngày bán được 50-150 ký, có ngày bán chỉ được vài chục ký không chừng”. Câu chuyện với tôi đành ngắt giữa chừng. Khách đến, ôngVĩnh đặt lên bàn cân cho cô bé học sinh lớp 10 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn mớ sách truyện với giá chỉ 20.000 đồng. Rồi lại quay sang bảo với một em học sinh khác từng cuốn sách một, mỗi cuốn giày cộm nhưng giá chỉ 8.000 đồng.
 
Tại một tiệm sách cũ ở số 66, đường Lê Lai, người làm nghề buôn bán sách cũ không phải là cánh đàn ông con trai mà là một người phụ nữ trung niên… Chị tên Thọ và cũng là người mê sách thứ thiệt. Cửa tiệm của chị khá rộng rãi, lại có rất nhiều sách nên nhiều học sinh, sinh viên không có điều kiện để mua sách mới hoặc tìm những cuốn sách mà họ cần ở những nhà sách lớn không có lại ghé chị. Trong thế giới sách cũ của chị có sự hiện diện của nhiều cuốn sách rất quý như: Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel năm 1950), Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân giữa mê hồn trận hay Những người khốn khổ của văn hào Victor Hugo; bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang Anh ngữ, Kinh thánh, từ điển Pháp - Việt của cụ Đào Duy Anh xuất bản năm 1936...
 
Câu chuyện của anh Nguyễn Hoàng Cương, Chủ nhà sách Hoàng Cương (163, Nguyễn Văn Trỗi) ngược về những ngày khó khăn của cả đất nước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, sách báo còn khan hiếm thì những cuốn sách cũ là nguồn cung cấp tri thức quý giá. Anh kể về sách cũ như một hoài niệm đáng yêu. Trong số rất nhiều cuốn sách kinh điển, anh vẫn còn xây dựng một tủ sách cũ riêng cho mình, trong đó những cuốn sách đáng quý mà ngày nay có tiền không chắc đã mua được như: Ký hoạ Việt Nam của một hoạ sĩ người Pháp; Tuấn chàng trai nước Việt xuất bản trước năm 1945; Cảnh Đức trấn dào lục (tác giả Vương Hồng Sển); Việt sử tân biên (tác giả Phạm Văn Sơn) xuất bản tại Sài Gòn; Thơ Paolo Neruda chỉ in được khoảng 1.000 bản hồi năm 1971… Chỉ tay vào các kệ sách nằm khiêm tốn ở một góc của nhà sách bây giờ, Hoàng Cương nói như phân trần: “Cũng như những ngành kinh doanh khác, sách cũ cũng tuân theo cái luật bất thành văn của chuyện làm ăn. Thời buổi này hiếm người bán những cuốn sách yêu quý của mình để đổi lấy gạo cơm nên những người buôn bán sách cũ như tôi cũng chuyển một phần sang bán các loại sách mới nhưng giá rẻ hơn”.
 
Ông Nguyễn Hồng Sanh, một nhà giáo dạy Văn đã về hưu, chủ nhân của “Nhân đạo thư quán” (45, Nguyễn Trường Tộ) 80 tuổi, dáng đi chậm chạp nhưng trong câu chuyện ông vẫn còn rất minh mẫn, tinh anh. Ông tiếp khách trên một tấm phên màu xanh chuối và như muốn trải lòng mình ra với những ai mê sách, mê câu chuyện năm xưa của ông.
 
Là con thứ 5 trong một gia đình nông dân ở Cần Đước - Long An, nhà nghèo nhưng ông rất ham học và học rất  giỏi. Thú vui của cậu bé Sanh năm xưa không phải là những trò chơi bắn bi, chọi gà mà là những cuốn sách nhỏ bé nhưng lại đầy sức hấp dẫn. Nhưng với một cậu trò quê nghèo khó để sở hữu được một cuốn sách cũng không phải dễ dàng. Ngày ấy, cậu học trò nhỏ này phải mượn sách của những bạn nhà giàu trong lớp để đọc. Và cậu đã ra sức chép tay lại hết toàn bộ những cuốn sách cậu thích rồi tự vẽ bìa và đóng thành cuốn. Dần dần, cậu cũng đã có một thư viện nhỏ của riêng mình với khoảng 50-70 những cuốn sách chép tay mà đến giờ bây giờ những cuốn sách đó vẫn được giữ cẩn thận và nâng niu như một kỷ vật tại “Nhân đạo thư quán”.
 
Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Sài Gòn năm 1956, ông về Vũng Tàu làm nghề giáo, dạy hai môn Pháp văn và Việt văn tại trường Trung học Vũng Tàu. Làm nghề giáo, đồng lương không nhiều, nhà lại đông con nhưng ông vẫn dè xẻn từng đồng chi tiêu, sống cần kiệm để dành tiền mua sách. Năm 1960, ông mở “Nhân đạo thư quán” vừa là nơi để buôn bán sách cũ, vừa là nơi để ông thỏa mãn thú chơi sách của mình. Cái tên “Nhân đạo” ông lấy từ tên tờ báo của Đảng cộng sản Pháp trước đây (L'Humanité) với mong muốn thư quán nhỏ của mình sẽ giúp ích cho nhiều người trong việc bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ, như tinh thần nhân đạo mà ông lấy làm tôn chỉ cho cuộc đời.
 
Để có được gia tài sách với khoảng 5 triệu cuốn sách cũ và 7 triệu cuốn báo, tạp chí các loại như giờ là cả một đời ông tích cóp. Cứ để dành được một khoản tiền kha khá ông lại lang thang khắp Sài Gòn từ phố Trần Huy Liệu, Trần Quý Cáp đến Nguyễn Thị Minh Khai… để tìm mua sách cũ. Nghe tiếng Nguyễn Hồng Sanh, những người mê sách, quý sách từ miền Tây lên, Sài Gòn về, các nhà nghiên cứu từ ngoài Bắc vào đều ghé “Nhân đạo thư quán” để đọc sách, đàm đạo với ông. Được biết, ông Nguyễn Hồng Sanh có ý nguyện tặng kho sách này cho UBND tỉnh để khai thác, phát huy giá trị của sách cũ trong thời gian tới.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.