Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Hướng đến một nền kinh tế xanh.
03:13 | 18/04/2014 Print   E-mail    

 
Thu gom và xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn tại các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm sản xuất; đề cao các giải pháp xử lý - tái chế chất thải thành các sản phẩm có ích; ưu tiên các dự án công nghiệp thân thiện với môi trường… Bà Rịa - Vũng Tàu đang có bước đột phá trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
 
Để xử lý rác thải, bảo vệ môi trường (BVMT) và tiết kiệm năng lượng, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng đề án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, kết hợp phát điện và trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2012 để triển khai sau năm 2015. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí hơn 6.533 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020, 95% rác thải đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh phải được thu gom và xử lý bảo đảm hợp vệ sinh bằng công nghệ đốt; toàn bộ nước thải đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý đạt quy chẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và các nguồn nước mặt, nước biển ven bờ được cải thiện; 100% rác thải y tế được thu gom và xử lý triệt để…
 
Bên cạnh vấn đề thu gom rác thải thì vấn đề xử lý nước thải (XLNT) cũng được nhiều doanh nghiệp tham gia hưởng ứng. Đặc biệt, từ khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực (1-6-2006), công tác bảo vệ môi trường nói chung và XLNT nói riêng ở một số doanh nghiệp du lịch và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống XLNT đúng quy chuẩn. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã đầu tư hệ thống XLNT đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường và tận dụng nguồn nước này để tưới cây xanh, thảm cỏ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động thì 5 KCN đã có nhà máy XLNT tập trung, 3 KCN có hệ thống XLNT cục bộ đạt chuẩn. Ông Lê Tân Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại doanh nghiệp du lịch và các KCN đã được cải thiện đáng kể. Không chỉ xây dựng hệ thống XLNT công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí, xây dựng trạm quan trắc tự động… góp phần bảo vệ môi trường.
 
Ông Cương cho biết thêm, nhằm thúc đẩy cho các doanh nghiệp đầu tư các công trình, dự án BVMT, từ tháng 11-2012, Quỹ BVMT đã tạo điều kiện thuận lợi hơn về mặt hồ sơ, thủ tục pháp lý để các doanh nghiệp nằm trong đối tượng được vay vốn tiếp cận với nguồn vốn này dễ dàng hơn. Theo đó, thời gian tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và tiến hành giải ngân cho doanh nghiệp chỉ trong vòng 30 ngày. Các doanh nghiệp sau khi được xét duyệt dự án sẽ được vay 70% giá trị dự án nhưng không vượt quá 15% nguồn vốn hoạt động hiện có của Quỹ, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi với lãi suất cho vay chỉ bằng 50% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Đó là những nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hướng đến một chính sách xây dựng nền kinh tế xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
 
Được biết, những năm gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đứng trong tốp đầu về thu hút đầu tư cả nước. Hiện nay, địa phương có hơn 300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 28 tỷ USD, hơn 400 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký gần 200 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, với chính sách tạo nên một nền kinh tế xanh, nên những năm gần đây Bà Rịa – Vũng Tàu không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm chỉ tiêu mà những tiêu chí về công nghệ, môi trường sẽ là những yếu tố quyết định việc chọn nhà đầu tư, chọn dự án. Theo đó, năm 2014, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thu hút vốn vào các lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng và không ảnh hưởng đến môi trường. Ðó là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sử dụng công nghệ sạch, bảo đảm các chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Theo ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, vừa là yêu cầu bức thiết, vừa là mục tiêu tất yếu của sự phát triển. Những thay đổi trong nhận thức, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền, mà trực tiếp là những người hoạch định chính sách tại địa phương, sẽ là tiền đề quan trọng để ngành kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu có bước đột phá.

Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.