An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Vũng Tàu triển khai đồng loạt chiến dịch “Người dân diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết”
10:43 | 06/11/2016 Print   E-mail    

 

Theo tổ chức Y tế thế giới, tính đến cuối tháng 9/2016 đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây nhiễm vi rút Zika, trong đó có Việt Nam. Nước ta đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên. Đặc biệt ,Cơ cấu tổ chức sáng 30/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng xác nhận, ca mắc hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện, đó là trường hợp bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk.

Tại tỉnh BR-VT, đến nay chưa ghi nhận ca bệnh do virut Zika, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh là rất cao vì tỉnh ta đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết (SXH) cùng với sự lưu hành của muỗi Aedes – loại muỗi truyền virut Zika. Hiện nay, virut Zika chưa có thuốc trị đặc hiệu và người dân cũng không miễn dịch đối với virut này; do đó, trước những diễn biến dịch như trên, nếu không có biện pháp hiệu quả và chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh do virut Zika thì nguy cơ có thể lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất để giảm ca mắc SXH và phòng chống bệnh do virut Zika là diệt véc tơ truyền bệnh, trong đó diệt lăng quăng là quan trọng nhất.

Hình minh họa

Trước tình hình trên, UBND thành phố vừa có văn bản yêu cầu UBND các phường, xã, các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức đồng loạt chiến dịch diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường lần 2 trên toàn thành phố với chủ đề “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh do virut Zika và sốt xuất huyết”; thời gian tổ chức lúc 7g30 ngày 5/11/2016. UBND Thành phố cũng yêu cầu sau lễ phát động ra quân, đối với các địa phương: lãnh đạo UBND phường, xã, các ban, ngành, đoàn thể, trưởng khu phố, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, cán bộ Trạm y tế, cán bộ công tác các chương trình y tế đến từng hộ dân cư trên địa bàn hướng dẫn, vận động người dân làm vệ sinh nhà ở, súc rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thay nước hồ cá, chậu kiểng, bình hoa…Đối với trường học: toàn thể Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh cùng tham gia làm vệ sinh môi trường, làm thoáng trường lớp, xả nước trong các hồ nước cũ, khơi thông cống rãnh, không để nước ứ đọng…Phòng Y tế và Trung Tâm y tế thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, trường học tổ chức triển khai đồng loạt chiến dịch; phối hợp với Phòng VH-TT, Trung Tâm VHTT-TT đẩy mạnh tuyên truyền về chiến dịch. MTTQVN và các đoàn thể thành phố chủ động phối hợp với các phòng, ban, đơn vị tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân tự giác tham gia chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh do virut Zika và sốt xuất huyết”.

 

Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt, chích và có thể gây thành dịch; Bệnh thường diễn biến lành tính trong đó 60-80% các trường hợp nhiễm vi rút không có biểu hiện bệnh, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong, bất kì ai sống trong vùng có muỗi Aedes và từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Đặc biệt, vi-rút Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Tuy nhiên, đây là những phương thức lây truyền không phổ biến. Bệnh có biểu hiện: sốt, nổi ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc. Vi rút Zika có thể gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Trẻ bị chứng đầu nhỏ thường chậm phát triển trí tuệ, thể chất và gây biến dạng khuôn mặt…

Bệnh do vi-rút Zika cũng như bệnh sốt xuất huyết, sốt siêu vi, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin phòng bệnh. Do đó, biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh đó là diệt lăng quăng bằng cách: giảm thiểu các khu vực có nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sử dụng lưới chắn muỗi. Đối với vùng đang có dịch, phải phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Ngoài ra, những người đang ở trong vùng có dịch bệnh, cũng như người hay di chuyển giữa các vùng, phụ nữ mang thai cần lưu ý để tránh bị muỗi đốt: mặc quần áo dài, sử dụng thuốc chống muỗi đốt, mắc màn khi ngủ./.

Bài: Phương Anh, BBT