An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tuổi trẻ lập nghiệp không phải chỉ bằng con đường vào Đại học
09:51 | 02/10/2016 Print   E-mail    

Có thể thấy rằng, khát vọng của tuổi trẻ là có cơ hội được học tập và phát triển, có cơ hội để lập thân, lập nghiệp, nên ước mơ vào Đại học là ước mơ chính đáng, tha thiết và cao đẹp của nhiều người. Nhưng liệu vào Đại học có phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp hay không? Đó là điều mà không ít người quan tâm và trăn trở hiện nay.

Thực tế cho thấy, ở nước ta từ xưa đến nay vẫn còn nhiều người cứ hi vọng con mình thi đậu Đại học trong khi khả năng còn hạn chế. Khi con thi rớt, họ xem con là đứa hư hỏng. Nhiều em đã phải tự tử vì không chịu nổi sự dằn vặt của cha mẹ. Cũng bị bệnh sĩ mà nhiều bậc cha mẹ đã tạo áp lực cho con. Khi con thi rớt đại học thì cha mẹ cần an ủi, động viên con. Điều quan trọng là cha mẹ phải chỉ cho con thấy đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời. Trái ngược với ý nghĩ đó, cũng có rất nhiều thí sinh dù thi rớt đại học nhưng các em không hề buồn khổ vì ý thức được sức học của mình. Cha mẹ các em cũng không trách việc các em thi rớt. Nhiều em học một nghề thích hợp và có cuộc sống khấm khá. Có em học ở trường cao đẳng nghề hay trung học chuyên nghiệp. Sau nhiều năm học hành, các em tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13062529_532277606943824_5981858241465819892_n.jpg?oh=775dd1eebf6f258f0495d2cdf70aab0f&oe=587E0E97

(Một buổi hướng nghiệp cho học sinh tại trường Cao đẳng Nghề Tỉnh

Bà Rịa –Vũng Tàu – nguồn ảnh Facebook Cao đẳng Nghề Tỉnh BR-VT) 

Theo số liệu của Tổng cục thống kê gần đây, có đến 60% sinh viên làm trái ngành và thất nghiệp trong khoảng thời gian 1 năm sau khi tốt nghiệp. Đây là một con số đáng buồn cho nền giáo dục Đại học Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên? Tuy tốt nghiệp một trường Đại học nổi tiếng nhưng những kỹ năng làm việc, kiến thức về chuyên môn các bạn sinh viên tích lũy được khi đi học là không nhiều. Vì thực tế học Đại học ở ViệtNam, đào tạo và dạy nhiều thứ, một thứ được học một ít, cuối cùng không giỏi hay chuyên sâu về một lĩnh vực nào cả.

Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung của đất nước. Hiện nay, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề đã gần như phủ khắp tất cả các huyện, thành phố trong Tỉnh. Việc phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề giúp Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bổ sung thêm nguồn nhân lực có tay nghề, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ, tăng thêm nhiều sự lựa chọn cho người học.

Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là trường đào tạo nghề lớn nhất của Tỉnh, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, trẻ và năng động. Hiện nay, Trường đào tạo 23 nghề với 3 trình độ Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp. Trường tập trung đào tạo các nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, nhu cầu lao động của doanh nghiệp, trong đó Trường được phép đào 02 nghề cấp quốc gia là nghề Điện công nghiệp và Kỹ thuật máy lạnh & Điều hòa không khí. Trong những năm qua, trường rất chú trọng công tác tư vấn tuyển sinh, thông tin nghề học được đăng tải rộng rãi trên các kênh thông tin truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên tổ chức tư vấn tuyển sinh tại các Trường THPT, THCS, Trung tâm giáo dục thường xuyên và địa bàn dân cư trong toàn Tỉnh. Qua đó, nhiều học sinh, thanh niên được tư vấn chọn nghề học yêu thích và phù hợp với năng lực của bản thân.

Năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiến hành đầu tư xây dựng và nâng cấp trang thiết bị dạy học phù hợp với nghề học và sát với thực tế công việc để tăng khả năng thu hút học sinh, sinh viên, giúp cho họ có kỹ năng nghề vững chắc, được tiếp cận những trang thiết bị hiện đại sát với thực tế để khi ra trường học sinh, sinh viên thực sự là những “sản phẩm” có chất lượng, được doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tin cậy. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vững chuyên môn, nhiệt huyết truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên qua từng giờ học, hoạt động sinh hoạt đoàn thể phong phú giúp họ học tập, rèn luyện toàn diện để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Đồng thời, trong thời gian tới Trường sẽ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu lao động, tiến hành đào tạo theo nhu cầu, đảm bảo chất lượng lao động và việc làm cho học sinh, sinh viên. Công tác tư vấn tuyển sinh sẽ thay đổi để đa dạng về hình thức và nội dung, giúp người học nắm bắt được nội dung nghề sắp học, điều kiện học tập và cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Nói tóm lại, hôm nay đây, tuổi trẻ lập nghiệp không phải chỉ bằng con đường vào đại học là duy nhất. Các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường THPT, THCS cần phải định hướng, tìm hiểu kỹ và chọn nghề cần học sao cho phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân, xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập, cần phải có sự nỗ lực phấn đấu tối đa của bản thân, kiên trì theo đuổi mục tiêu học tập để xây dựng tương lai, sự nghiệp sau này để luôn là những người có ích cho bản thân, gia đình và cho xã hội./.

                                                                                                   

Bài: Lê Ngân, BBT