An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Nhọc nhằn nghề đi biển của ngư dân làng chài Bến Đình, Bến Đá
05:18 | 10/08/2016 Print   E-mail    

Đối với ngư dân ở làng chài Bến Đình Bến Đá, thành phố Vũng Tàu thì dường như biển đã ngấm sâu trong máu thịt, biển không chỉ là nơi gắn bó nghề nghiệp mà đã trở thành hồn cốt của họ. Hương vị mặn mòi của biển và sự chịu thương, chịu khó của ngư dân miền biển đã tạo nên nét riêng của những con người gắn bó cuộc đời mình với sóng nước mênh mông. Cuộc sống mưu sinh của những người đi biển nơi đây không tránh khỏi nhọc nhằn, vất vả. Song những thành quả lao động, những rổ cá tôm luôn là niềm vui thường nhật của họ. 

Ước nguyện của những ngư dân ở làng chài Bến Đình Bến Đá trước mỗi chuyến đi biển là cầu trời cho sóng yên, biển lặng. Bởi ra ngoài khơi cũng đồng nghĩa là những ngư dân phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy. Những giọt mồ hôi, nước mắt mặn chát của những ngư dân đã hòa chung vào vị mặn của biển cả mênh mông.

Làng chài Bến Đình Bến Đá _ nguồn ảnh http://ddau.vn/co-gi-hot/du-lich/5-khu-lang-chai-an-hai-san-ngon-re-nhat-dinh-phai-biet-khi-den-vung-tau 

Bình minh một sáng cuối tuần, tôi có dịp ghé thăm làng chài Bến Đình Bến Đá, tận mắt chứng kiến những Tàu cá từ ngoài khơi trở về mới thấy được nỗi vất vả, nhọc nhằn đong đầy trong mỗi ngư dân. Sau một đêm dài hay có những tàu là nhiều ngày đêm nhưng nhìn chiếc thuyền họ trở về lượng cá và hải sản cũng chẳng là bao. Có những thuyền chỉ vẻn vẹn vài kg cá đối, cá trích nhỏ. Khó có thể diễn tả được nỗi vất vả của những ngư dân bởi khi họ phải lênh đênh cùng con sóng, phải làm việc quần quật ngoài khơi xa với nắng, gió và sóng dữ và trên vai họ là gánh nặng gia đình, là cha mẹ già, là vợ con nheo nhóc. 

Phải nói rằng, nghề đi biển chưa bao giờ là dễ dàng đối với những ngư dân làng chài Bến Đình Bến Đá, biển cả luôn mặn đắng, mang bao nỗi nhọc nhằn cho người ra khơi. Để động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Vũng Tàu cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới, cải hoán, nâng cấp máy tàu thủy, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ máy thông tin liên lạc, đèn pin, bình cứu hỏa, ngư lưới cụ, hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. 

Tiếp xúc với một số ngư dân ở làng chài Bến Đình Bến Đá tôi mới biết rằng: Nghề đi biển, nguy hiểm luôn luôn rình rập. Ra khơi, những cơn gió lớn, những hiểm nguy do thời tiết bất ngờ luôn là nỗi ám ảnh thường trực của ngư dân. Đã bao lần, gió lớn ập đến có thể cướp đi sinh mệnh của ngư dân, hư hỏng tàu thuyền thì vô kể. Thời tiết, đặc biệt là trên biển, chẳng ai có thể đoán trước được. Anh Lê Văn Sâm cư trú tại Phường 5 (gần làng chài Bến Đá Bến Đình) tâm sự với chúng tôi: “Những chuyến đi biển, bữa có, bữa không là chuyện bình thường. Chuyến này đi thất thu thì chờ chuyến sau. Nhưng giờ, chúng tôi không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì, bởi nghề này là nghề truyền thống của gia đình tôi. Bao đời nay, ngư dân chúng tôi luôn gắn phận mình với sóng, với gió ngoài biển khơi”. Có thể thấy rằng biển nuôi nấng, che chở cho họ với những mùa về tôm cá đầy khoang nhưng biển cũng lấy đi bao mồ hôi và nước mắt của không ít ngư dân. 

Rời làng chài Bến Đình Bến Đá, tôi nhận ra rằng với mỗi ngư dân nơi đây, biển khơi gắn bó với họ như mảnh vườn, thửa ruộng của người nông dân. Biển không chỉ là nghiệp mưu sinh mà còn là cuộc sống tinh thần họ. Mỗi lần ra khơi là một lần ngư dân đối mặt với sóng gió hiểm nguy. Với họ bám biển không chỉ để kiếm sống, nối nghiệp cha ông, mà còn là góp phần bảo vệ vùng biển, khẳng định chủ quyền của dân tộc. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị ngư cụ hiện đại để không những đi biển dài ngày, an toàn, mà còn tham gia giữ gìn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi luôn hy vọng cho trời luôn yên, biển luôn lặng để cuộc sống của người ngư dân ở làng chài Bến Đình Bến Đá đỡ vất vả hơn./. 

Bài: Lê Ngân, BBT