An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Vũng Tàu tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết
08:00 | 26/07/2016 Print   E-mail    

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm cho con người đến nay chưa có thuốc phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc bệnh người bệnh có biểu hiện sốt cao và xuất huyết dưới da, diễn biến nặng có khả năng gây tử vong cao. Bệnh SXH được truyền từ người này sang người khác qua trung gian là muỗi vằn. Vì vậy nó có thể lây lan thành dịch nhanh chóng.

 

Theo báo cáo của Phòng Y tế thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố có 486 ca mắc SXH (tăng 38% so với cùng kỳ), không có trường hợp tử vong và là đơn vị có bệnh nhân SXH chiếm cao nhất toàn tỉnh; có 461 ca mắc bệnh Tay – chân – miệng (giảm 70% so với cùng kỳ). Mùa mưa đã đến, đây là thời điểm mà dịch bệnh SXH tăng nhanh và có chiều hướng lan rộng, diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Để kịp thời ngăn chặn dịch SXH bùng phát lan rộng, UBND thành phố Vũng Tàu vừa ban hành công văn về việc thực hiện chỉ thị 12-CT/TU của Thành ủy Vũng Tàu về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết  năm 2016.

Người dân cần tích cực diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết (Ảnh: Internet). 

Theo đó, để nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch, sớm khống chế không để dịch sốt xuất huyết (SXH) lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, UBND thành phố yêu cầu: ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp phải họp giao ban định kỳ, hàng tuần để nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa phương và chỉ đạo kịp thời các vấn đề phát sinh nhằm thống nhất các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch SXH nói riêng; phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các hoạt động phòng chống SXH trên từng địa bàn dân cư mình phụ trách, đặc biệt các vùng, địa phương là điểm nóng của dịch bệnh SXH. Phòng y tế và Trung tâm y tế cần tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất triệt để khi phát hiện có ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư y tế, kỹ thuật để tổ chức triển khai dập dịch kịp thời, đúng quy trình ngay từ khi phát hiện, khống chế không để dịch bùng phát và lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh SXH gây ra. Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung Tâm VHTT-TT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng thời lượng thông tin sâu rộng đến người dân bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc phòng, chống dịch SXH, giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả cao. Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động cho giáo viên, học sinh tham gia chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, tổ chức vệ sinh làm sạch môi trường tại trường học. UBMTTQ và các đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động các thành viên trong tổ chức và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia diệt bọ gậy, phòng chống dịch bệnh; phối hợp với chức sắc tôn giáo tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng dân cư theo đạo. Chủ tịch UBND các phường, xã trực tiếp tổ chức họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đại phương, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, khu phố, trạm y tế phường tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi một cách có hiệu quả; tăng cường chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với với các ban, ngành, đoàn thể trong phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân tích cực chủ động phòng, chống dịch tại nhà và khu dân cư mình đang sống; đẩy mạnh xử phạt hành chính theo nghị định 176/2013/NĐ-CP của chính phủ với các hộ gia đình, cá nhân cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để phát sinh muỗi, lăng quăng gây bệnh.

SXH có nguy cơ bùng phát và lây lan rất cao. Vì vậy, cùng với những biện pháp của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng chống bệnh. Biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, dọn dẹp nhà ở gọn gàng không cho muỗi trú trong nhà, khơi thông cống rãnh để tránh nước tù đọng, dọn dẹp các chai lọ, lu, bình có chứa nước, phát quang bụi rậm,  khi ngủ phải mắc màn (mùng) kể cả ban ngày; khi người nhà có dấu hiệu sốt cao đột ngột hoặc nghi sốt xuất huyết cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời để hạn chế tỉ lệ tử vong…/.

 

Bài: Phương Anh, BBT